Đề xuất về thủ tục hải quan qua Hệ thống quá cảnh ASEAN

Dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông quan Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) do Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) soạn thảo đã qua nhiều lần lấy ý kiến trực tiếp bộ, ngành, DN cũng như qua việc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến nay, dự thảo đang được Tổng cục Hải quan rà soát hoàn thiện trước khi trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.

Hàng hóa XNK tại cảng Lạch Huyện, Hải Phòng. Ảnh: HUY KHÂM.

Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh được các nước thành viên ASEAN ký kết vào ngày 16/12/1998 với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN và liên kết kinh tế khu vực hơn nữa. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp định khung quy định việc xây dựng và ký kết các Nghị định thư có liên quan, trong đó có Nghị định thư 7 về chế độ quá cảnh hải quan.

Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/10/2017 Chính phủ đã phê duyệt Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh và giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ để thực hiện Nghị định thư 7.

Theo ban soạn thảo, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để triển khai hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN theo Nghị định thư 7 là cần thiết. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, giảm thủ tục giấy tờ trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh. Bởi thực hiện thủ tục theo quy định của Nghị định thư số 7 sẽ thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên một hệ thống duy nhất từ nước xuất phát đến nước quá cảnh và đến nước cuối cùng là điểm đích của hành trình quá cảnh, góp phần giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan.

Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các DN tham gia hoạt động quá cảnh hàng hóa, tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động quá cảnh hàng hóa, phát huy lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam trong vận chuyển hàng hóa quá cảnh.

Hiện nay, dự thảo Nghị định quy định một số nội dung quan trọng như: Quy định cụ thể về nguyên tắc hệ thống trên cơ sở các tài liệu kỹ thuật do ASEAN cung cấp, trong đó bao gồm cả các vấn đề trao đổi dữ liệu giữa các hải quan các nước.

Về thủ tục hải quan, quy định thủ tục hải quan đối với từng luồng đi của hàng hóa. Cụ thể hàng hóa xuất phát từ Việt Nam đi qua các nước trong ASEAN và đi đến một điểm đích thuộc nước trong khối ASEAN, khi đó Việt Nam sẽ là điểm đi và đối chiếu với quy định hiện hành thì hàng hóa lúc đó là xuất khẩu. Trường hợp ngược lại với trường hợp trên, khi đó Việt Nam sẽ là điểm đích và đối chiếu với quy định hiện hành thì hàng hóa lúc đó là hàng nhập khẩu. Hàng hóa đi từ một nước trong ASEAN/ngoài ASEAN đi qua Việt Nam để đến một nước khác nằm trong ASEAN. Hàng hóa từ một nước trong ASEAN đi qua Việt Nam để đến một nước khác nằm ngoài ASEAN. Mỗi một thủ tục phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục về hồ sơ, về trách nhiệm của các bên liên quan.

Về công tác giám sát hải quan, dự thảo Nghị định không chỉ quy định việc giám sát hàng hóa khi hàng hóa đến lãnh thổ Việt Nam hoặc hàng hóa đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu đưa vào địa bàn giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan cho đến khi thực xuất khẩu mà còn phải có các quy định liên quan để giám sát cả một hành trình hàng hóa vận chuyển.

Về địa điểm làm thủ tục hải quan, căn cứ quy định tại Nghị định thư 2 và Nghị định thư 7, tại dự thảo Nghị định quy định cụ thể về địa điểm làm thủ tục hải quan (nơi doanh nghiệp khai và gửi thông tin tờ khai quá cảnh, hồ sơ liên quan), cửa khẩu hàng hóa quá cảnh được đưa vào lãnh thổ Việt Nam và ngược lại (tuân thủ theo quy định tại Nghị định thư 2).

Các vấn đề về bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế theo quy định tại Nghị định thư số 7 cũng được quy định cụ thể như: Bảo lãnh riêng; bảo lãnh chung; cách tính tiền bảo lãnh; đặt cọc tiền thuế; điều kiện, quyền và trách nhiệm của người bảo lãnh; kiểm tra, theo dõi xử lý bảo lãnh, tiền đặt cọc của cơ quan Hải quan; thu hồi và phối hợp thu hồi nợ thuế hải quan giữa các nước có hành trình hàng quá cảnh đi qua,… Riêng mức bảo lãnh theo quy định tại Nghị định thư 7 là theo mức thuế cao nhất của nước có hành trình hàng quá cảnh đi qua và để có cơ sở đưa ra mức thuế cao nhất thì trách nhiệm của các nước là phải kết nối hệ thống dữ liệu ACTS để có cơ sở xác định mức bảo lãnh hoặc đặt cọc tiền thuế hàng quá cảnh theo mức thuế cao nhất.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về doanh nghiệp ưu tiên: Bao gồm các vấn đề về điều kiện để được công nhận doanh nghiệp ưu tiên, hồ sơ, thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, thủ tục công nhận doanh nghiệp ưu tiên của cơ quan quản lý nhà nước được giao công nhận doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện việc công nhận doanh nghiệp ưu tiên, cũng như các chế độ ưu tiên, khi nào được áp dụng ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với các doanh nghiệp được cấp quyền ưu tiên.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/de-xuat-ve-thu-tuc-hai-quan-qua-he-thong-qua-canh-asean.aspx