Đề xuất vẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chiều 8-8, tiếp tục chương trình Phiên họp 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề như: Việc phổ cập giáo dục, việc giáo dục phổ thông, việc phát triển đội ngũ nhà giáo, về đầu tư-tài chính trong giáo dục... Trong đó, vấn đề giáo dục phổ thông, đặc biệt là việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Luật Giáo dục hiện hành quy định: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tuy nhiên, vấn đề này hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh; việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế- xã hội từng thời kỳ. Loại ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định được học lên các trình độ cao hơn....

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề trên, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu không tổ chức thi mà chỉ xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì liệu công tác dạy và học có được bảo đảm như khi tổ chức thi hay không? Nếu rõ ràng là không bằng thì ta nên loại luôn phương án này.

Đánh giá cao phương án tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông song Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần xem xét, nghiên cứu lại cách thức tổ chức kỳ thi bảo đảm phù hợp, nghiêm túc.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá, lấy ý kiến rộng rãi, tham khảo kinh nghiệm các nước để chọn ra một phương án ổn định, chứ giáo dục mà thay đổi thường xuyên thì cũng không tốt, ảnh hưởng nhiều đến cử tri và nhân dân.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng, là thách thức đối với ngành giáo dục, tác động sâu rộng đến người dân và được nhân dân, cử tri đặc biệt quan tâm. Do đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần có thêm thời gian để tổng kết, phân tích, đưa ra phương án xử lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội ở nước ta. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị tổ chức thêm nhiều diễn đàn để tiếp thu thêm các ý kiến khác nhau của các tầng lớp nhân dân, các nhà quản lý, chuyên gia đóng góp cho dự thảo luật. Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, dự luật cần đánh giá được những bất cập hiện nay và có những dự báo chính xác để bảo đảm tính khả thi cao nhất của dự luật.

Tán thành với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là dự án luật sửa đổi toàn diện nên giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, sau đó tổng hợp lại và sẽ thông qua dự luật khi bảo đảm chất lượng.

* Phần còn lại của phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Về đầu tư cho giáo dục đại học, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung theo hướng xác nhận trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư vào phát triển giáo dục đại học; quy định phương thức phân bổ ngân sách bằng các hình thức như chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu, đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua cơ chế đấu thầu, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu.

Liên quan đến học phí và các khoản thu dịch vụ khác, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng giữ quy định về học phí là khoản thu mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Mức thu học phí được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí căn cứ theo chi phí đơn vị và do Chính phủ công bố. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định học phí là phần kinh phí của các đơn vị đào tạo và không tính vào ngân sách nhà nước.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/de-xuat-van-to-chuc-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-546326