Đề xuất ưu đãi thuế TNDN cho công nghiệp hỗ trợ

Bộ Tài chính đưa ra một số đề xuất mới ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước ngày 1/1/2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 (gọi chung là dự án) và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi về thuế TNDN cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế Nghị định này có hiệu lực thi hành (kỳ tính thuế năm 2020).

Cụ thể, đối với dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng dự án chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì thời gian ưu đãi còn lại được xác định bằng thời gian ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi số năm tính từ năm được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đến trước năm Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Đối với dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng dự án chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì thời gian ưu đãi còn lại được xác định bằng thời gian ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi số năm tính từ năm Nghị định này có hiệu lực thi hành đến trước năm được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Đối với dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, đã hoặc đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi còn lại được xác định bằng thời gian ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi thời gian ưu đãi thuế TNDN của dự án này đã được hưởng theo điều kiện khác (cả về thuế suất và thời gian miễn, giảm nếu có).

Đề xuất của Bộ Tài chính được đưa ra trong bối cảnh công nghiệp hỗ trợ, nhất là lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ngành ô tô tại Việt Nam vẫn còn èo uột. Vào tháng 9 vừa qua, liên doanh Tập đoàn Thành Công - Hyundai Motor đã khởi công dự án nhà máy Hyundai Thành Công số 2 (HTMV2) công suất 100.000 xe/năm.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Thành Công cũng động thổ dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, nhìn nhận, các doanh nghiệp tự bỏ vốn xây dựng nhà máy mới sản xuất phụ tùng, linh kiện riêng lẻ, với mục đích thay thế cho các phụ tùng, linh kiện ô tô trong nước bị hư hỏng, bào mòn.

Nguyên nhân là vì cho tới nay, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam không sản xuất từ A tới Z mà chỉ lắp ráp và làm những chi tiết đơn giản, còn lại những bộ phận, chi tiết đòi hỏi kỹ thuật cao, máy móc sản xuất phức tạp thì đi nhập vì đầu tư không nổi.

Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, do nguồn vốn hạn chế, doanh nghiệp Việt mới chỉ làm ra được cái họ cần dùng, mà chưa liên kết được với các doanh nghiệp, tập đoàn ô tô theo chuỗi giá trị.

"Chỉ khi nào doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam vươn ra tầm khu vực, bán được ô tô cho các nước lân cận, thậm chí bán cho thế giới, cần số lượng xe và cả vốn nhiều hơn thì họ không tự sản xuất nữa. Khi ấy, họ sẽ đặt hàng doanh nghiệp cơ khí khác -đơn vị chuyên sản xuất phụ tùng, linh kiện theo yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật họ đưa ra, nghiệm thu và sử dụng sản phẩm.

Điều quan trọng nhất là: các doanh nghiệp muốn đầu tư gì cũng phải nắm được công nghệ lõi của mình là gì, và phải có công nghệ lõi chủ động để có thể làm được sản phẩm mà mình mong muốn", GS Nguyễn Khắc Trai nói.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/de-xuat-uu-dai-thue-tndn-cho-cong-nghiep-ho-tro-3420799/