Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp 'xanh'

Sáng 28-8, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM có buổi làm việc với Cục Thuế TP, Cục Hải quan TP, các sở, ngành và doanh nghiệp về việc thực hiện Luật Thuế Bảo vệ môi trường trên địa bàn và những kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật thuế này

Đóng góp ý kiến cho luật thuế, đại diện Sở Công Thương TP cho rằng chính sách cần được ban hành theo hướng ủng hộ, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) chuyển đổi sang sản xuất thân thiện với môi trường.

"DN trong lĩnh vực sản xuất bao bì mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để nâng cấp thiết bị, xin giấy chứng nhận sản phẩm bảo vệ môi trường (BVMT). Trong khi đó, rất nhiều cơ sở sản xuất khác không có chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng lại cạnh tranh được nhờ giá thấp. Chính sách cần phù hợp hơn để cho những DN đã xin được chứng nhận có lợi thế cạnh tranh hơn" - đại diện Sở Công Thương nói.

Doanh nghiệp kiến nghị nên quy định thuế bảo vệ môi trường ở mức cố định cho xăng E5 để hạ giá so với xăng khoáng Ảnh: TẤN THẠNH

Doanh nghiệp kiến nghị nên quy định thuế bảo vệ môi trường ở mức cố định cho xăng E5 để hạ giá so với xăng khoáng Ảnh: TẤN THẠNH

Đại diện Công ty CP Bao bì Sài Gòn đặt vấn đề đánh thuế để hạn chế rác thải nhựa nhưng liệu có hiệu quả khi giá thành bao bì thân thiện với môi trường quá cao? DN này kiến nghị áp dụng thuế theo tỉ lệ nhựa sử dụng cho sản phẩm để bảo đảm công bằng, cạnh tranh.

Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ông Trần Minh Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), chỉ rõ giá xăng sinh học E5 chênh lệch "không đáng là bao" so với xăng khoáng dẫn đến chưa khuyến khích được người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường. "Nếu như năm 2018, khoảng cách giá giữa xăng sinh học và xăng khoáng khoảng 1.500-1.600 đồng/lít, nay giảm chỉ còn 900-1.000 đồng/lít. Sáu tháng đầu năm nay, cả nước sử dụng xăng sinh học mới đạt hơn 30%, riêng khu vực phía Nam chỉ hơn 20%. Chúng tôi kiến nghị quy định thuế BVMT ở mức cố định cho xăng E5, thay vì chỉ ưu đãi cho 5% ethanol dùng để pha trộn xăng E5. Làm sao đạt mức chênh lệch ít nhất 2.000 đồng/lít mới đủ kích thích người tiêu dùng đổ xăng E5" - ông Hà nêu ý kiến.

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc, phải có chỉ số đo lường rõ ràng về mức độ ô nhiễm để tránh tình trạng nhiều nhóm đối tượng gây ô nhiễm nằm ngoài tác động của luật này; đồng thời, cần có chế tài xử lý nghiêm vi phạm. "Các nước trên thế giới rất ủng hộ DN "xanh", thân thiện với môi trường. Những DN này nếu lên sàn chứng khoán rất được quan tâm, được hưởng nhiều ưu đãi, chiếu cố về chính sách thuế để phát triển tốt hơn" - ông Quốc dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế để góp ý cho Luật Thuế BVMT.

Ngoài ra, vị ĐBQH này cũng đề xuất cần rõ ràng trong vấn đề thu chi, chi đúng đối tượng, không "hòa" phần thu BVMT vào ngân sách chung… để thấy được hiệu quả từ việc sử dụng nguồn thu BVMT.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh mục tiêu mà thế giới, trong đó có Việt Nam, hướng tới là tăng trưởng xanh gắn liền với BVMT. Từ đó, ông cho rằng bên cạnh Luật Thuế BVMT, các luật thuế khác như thu nhập DN, giá trị gia tăng… cũng cần được xây dựng theo hướng giảm thuế để khuyến khích DN sản xuất thân thiện với môi trường và ngược lại với DN gây ô nhiễm.

Tổng kết buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết nhận định cần thiết cải cách hệ thống thuế sao cho phù hợp với mục tiêu khuyến khích sản phẩm, tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận những sản phẩm này với mức giá phù hợp hơn. Và cải cách thuế phải có tác động lớn đến thay đổi hành vi của người tiêu dùng; bảo đảm thu đúng, thu đủ, hiệu quả.

Phương Nhung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/de-xuat-uu-dai-thue-cho-doanh-nghiep-xanh-20190828212432039.htm