Đề xuất trừ điểm vào giấy phép lái xe: Trao thêm quyền cho CSGT?

Nếu áp dụng trừ điểm vào giấy phép lái xe với tài xế vi phạm giao thông thì cần minh bạch, có chứng cứ rõ ràng để tránh tình trạng mãi lộ hoặc khiếu nại

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết đơn vị này đang nghiên cứu đề xuất áp dụng việc trừ điểm vào giấy phép lái xe (GPLX) của tài xế vi phạm giao thông.

Người vi phạm lờn luật!

Việt Nam đang áp dụng hình thức tước GPLX có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính xong thì trả lại bằng lái đối với người vi phạm luật giao thông.

CSGT đo nồng độ cồn của tài xế tại Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Theo đại tá Bình, cách thức xử lý này dẫn đến tình trạng "phạt cho tồn tại", không đủ sức răn đe khiến người vi phạm lờn luật. Trong 2 năm 2015-2016, gần 37.400 trường hợp bị tước GPLX có thời hạn nhưng người vi phạm không đến nhận lại.

Một lãnh đạo Phòng CSGT TP Hà Nội cho hay trong trường hợp này, Đội CSGT đã phải cử người phối hợp với chính quyền địa phương gửi giấy mời về tận nhà tài xế vi phạm để lên trụ sở CSGT giải quyết. "Chúng tôi không thể ép tài xế lên nộp phạt hành chính vì đó là quyền của họ. Trong số này, ngoài những trường hợp khách quan, phần lớn các tài xế vi phạm không quay lại nộp phạt để lấy bằng lái xe vì số tiền đóng quá lớn" - vị này nói.

Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, hiện cơ sở dữ liệu mới về GPLX được cập nhật trên hệ thống điện tử, việc áp dụng công nghệ sẽ bảo đảm cho công tác xử lý vi phạm giao thông. Việc sử dụng công nghệ và áp dụng trừ điểm trên hệ thống dữ liệu sẽ rất hiệu quả, nếu bị trừ 50% điểm trên GPLX thì chủ sở hữu có nguy cơ bị tước GPLX nếu tái diễn vi phạm.

Dễ bị lạm quyền

Đại tá Trần Sơn, cựu Phó Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), đánh giá đề xuất trừ điểm trên GPLX đối với chủ phương tiện rất hợp lý, được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Với tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trong đó có lỗi trực tiếp của người điều khiển phương tiện thì việc siết chặt công tác quản lý GPLX là điều cần thiết.

Luật sư Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc (Đoàn Luật sư Hà Nội) - cho rằng về bản chất, việc trừ điểm bằng lái không khác gì hình thức bấm lỗ bằng lái trước đây. Biện pháp bấm lỗ không còn áp dụng nên đề xuất trừ điểm trên GPLX cũng không có cơ sở thực tiễn.

Trước đó, từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng bấm lỗ. Nếu GPLX bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi GPLX; nếu bị đánh dấu 3 lần thì giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới. Sau đó, Bộ Công an nhận thấy việc bấm lỗ trên GPLX không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái thiếu thẩm mỹ. Chưa kể những tiêu cực nảy sinh khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách "chạy" bằng lái mới. Do đó, đến năm 2007, Nghị định 146 được ban hành bãi bỏ quy định bấm lỗ bằng lái.

Luật sư Phạm Thanh Bình phân tích Luật Giao thông đường bộ không quy định hình thức trừ điểm bằng lái tài xế. Do vậy để thực hiện thì phải sửa luật. Tuy nhiên, "để quản lý và răn đe tài xế vi phạm, Chính phủ nên sửa nghị định để tăng mức xử phạt với các vi phạm. Khi trực tiếp động đến túi tiền thì người vi phạm sẽ sợ hơn là phạt nguội và trừ điểm" - ông Bình phân tích.

Ngoài ra, luật sư Bình lo ngại khi việc trừ điểm vào bằng lái được thông qua thì sẽ trao thêm quyền cho CSGT. Như vậy cơ chế kiểm soát quyền này như thế nào để tránh trường hợp lạm quyền, cảnh sát và người vi phạm tự thỏa thuận với nhau để không bị trừ điểm vào GPLX?

Có thưởng, có phạt

Một số chuyên gia công nghệ nhận định việc áp dụng hình thức như trên cải tiến hơn so với cách bấm lỗ GPLX trước đây. Chuyên gia công nghệ Nguyễn Văn Chiến cho rằng với hình thức này, GPLX sẽ như một mã định danh với các thang điểm cụ thể cũng như tích hợp được các thông tin, dữ liệu liên quan đến tài xế, phương tiện. Khi người điều khiển phương tiện vi phạm, điểm trên GPLX sẽ bị trừ theo lỗi, vi phạm càng nhiều thì điểm sẽ càng ít đi.

Để thực hiện hiệu quả, GPLX này phải tích hợp chi tiết theo từng lỗi vi phạm với từng mức độ cũng như số hóa biên bản xử phạt, thời gian nộp phạt… Bên cạnh đó, việc quản lý dữ liệu, phải có cơ chế bảo mật thông tin cũng như có hệ thống pháp lý liên quan đến việc sử dụng những thông tin này. Vấn đề chính là cần một hệ thống cơ sở dữ liệu từ khi cấp bằng lái, lịch sử tham gia giao thông, cập nhật và tích hợp về cùng một hồ sơ. Từ đó, lực lượng chuyên ngành có thể tìm kiếm thông qua một mã định danh trên GPLX.

Nếu quy trình thực hiện đồng bộ và thống nhất sẽ hiệu quả hơn trong quản lý, giám sát và giảm đội ngũ nhân sự, tương lai có thể hạn chế CSGT phải ra đường. Tuy nhiên, nền tảng cơ sở dữ liệu đang khá hạn chế, thiếu đồng bộ giữa nhiều lĩnh vực để triển khai hiệu quả cần theo lộ trình.

Mặt khác, nếu thực hiện như trên thì cũng cần chính sách "có thưởng có phạt". Phải có những "điểm cộng" đối với người thường xuyên chấp hành luật giao thông như không vi phạm trong một khoảng thời gian quy định hoặc trường hợp đưa người bị nạn đi cấp cứu, hỗ trợ người bắt cướp…, được công nhận. Biện pháp này nếu áp dụng sẽ không chỉ hiệu quả trong việc khuyến khích tài xế chấp hành luật giao thông mà còn nâng cao ý thức thực hiện.

Nguyễn Hưởng - Gia Minh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/de-xuat-tru-diem-vao-giay-phep-lai-xe-trao-them-quyen-cho-csgt-20180925221011853.htm