Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe: Thực thi phải khách quan, công tâm, nghiêm túc

Mới đây, Chính phủ đã thống nhất chủ trương quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm. Nội dung này được nhiều người dân quan tâm đồng tình. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại không ít ý kiến lo ngại khi quy định về việc tính điểm, lịch sử cộng, trừ điểm một cách chặt chẽ, công khai… vẫn còn mơ hồ.

Nhiều ý kiến trái chiều

Theo đó, mỗi giấy phép lái xe sẽ được cấp 12 điểm, tương ứng với 12 tháng trong năm. Số điểm này sẽ bị trừ dần nếu tài xế vi phạm các quy định về giao thông. Dự kiến sẽ có 10 hành vi và nhóm hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ngay lập tức và 28 hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm.

Đáng chú ý, nếu trong 1 năm mà người tham gia giao thông bị trừ hết điểm thì sẽ phải thi lại giấy phép lái xe, ngược lại nếu không bị trừ hết điểm thì được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho giấy phép lái xe. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.

Việc trừ điểm trên bằng lái xe được kỳ vọng sẽ góp phần kiểm soát lái xe của các tài xế vi phạm giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Việc trừ điểm trên bằng lái xe được kỳ vọng sẽ góp phần kiểm soát lái xe của các tài xế vi phạm giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Quanh vấn đề này, nhiều ý kiến đồng tình cao và khi được triển khai thực hiện sẽ trực tiếp góp phần mang lại chuyển biến về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, việc trừ điểm trên giấy phép lái xe cũng tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của lái xe.

Chia sẻ về quan điểm này, anh Vũ Văn Toàn (một tài xế taxi trú tại phường Phú Lãm, Hà Đông) cho biết, quy định này nếu được áp dụng sẽ có nhiều điểm tích cực. Bởi lâu nay lái xe an toàn, không vi phạm luật an toàn giao thông là quy định bắt buộc đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân và người cùng tham gia lưu thông. “Nếu mỗi người tham gia đều có ý thức chấp hành tốt luật lệ thì việc xử phạt hay áp dụng các biện pháp xử phạt gì sẽ không thành vấn đề nữa” – anh Toàn bày tỏ quan điểm.

Ở chiều dư luận khác, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn bởi hiện quy định về việc tính điểm, lịch sử cộng, trừ điểm một cách chặt chẽ, công khai… vẫn chưa rõ ràng, công tác lấy ý kiến đóng góp của người dân – đối tượng chịu tác động chính vẫn chưa rộng rãi vì vậy rất khó để có sự nhìn nhận thấu triệt.

Ngoài ra, trong các quy định xử lý vi phạm giao thông hiện hành đã có nhiều lỗi bị phạt nặng, có hình thức xử lý là tước giấy phép lái xe. Vì thế, nếu vừa tước giấy phép lái xe, vừa trừ điểm thì liệu có bị chồng chéo, tạo thêm gánh nặng cho người tham gia giao thông.

Lấy ví dụ, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên 0; mức xử phạt người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn từ 2-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10-24 tháng; phạt từ 6-40 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ, xe đạp điện vi phạm cũng có thể bị phạt tới 800.000 đồng.

Mức xử lý vi phạm trên được đánh giá là nghiêm khắc và có tính răn đe cao nhưng nếu áp dụng trừ điểm với cùng hành vi hoặc với những hành vi vi phạm nhẹ hơn thì dễ dẫn đến cảnh tài xế phải chịu quá nhiều hình thức xử phạt. “Nếu người vi phạm hết điểm thì coi như bị tước bằng lái, áp lực này có thể nảy sinh việc hối lộ lực lượng chức năng để không bị lập biên bản và trừ điểm. Do vậy, tinh thần công tâm, trách nhiệm khi xem xét hành vi vi phạm chủ yếu phụ thuộc vào lực lượng chức năng…” – một tài xế GrabCar chia sẻ.

Bên cạnh đó, không ít ý kiến tỏ ra quan tâm đến câu chuyện tính điểm trên giấy phép lái xe. Cụ thể, việc điều khiển phương tiện giao thông là phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho những người tham gia giao thông khác. Đấy là nghĩa vụ của người điều khiển phương tiện giao thông. Do vậy cộng điểm trên giấy phép lái xe không phải là điều hay. Nếu cho cộng điểm sẽ khiến người điều khiển đã có điểm cộng chủ quan và không quan tâm tới việc đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo thực hiện đúng luật giao thông.

Mấu chốt nằm ở khâu thực thi

Thực tế việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông như hiện nay chủ yếu được căn cứ trên tinh thần của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP… ngoài những kết quả tích cực mang lại thì một số trường hợp còn chưa đủ sức răn đe đối với các tài xế vi phạm, đặc biệt là với các lỗi trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hệ lụy nhãn tiền là người vi phạm hình thành nên tâm lý thiếu nghiêm chỉnh chấp hành luật.

Cảnh sát giao thông xử phạt trường hợp vi phạm giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Ở góc độ nhìn nhận khác, “lỗ hổng” ý thức giao thông một phần xuất phát từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Dễ thấy, hiện việc xử lý người vi phạm giao thông chủ yếu chỉ áp dụng hình thức tước giấy phép lái xe có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính xong thì trả lại bằng lái, cách thức này dẫn tới tình trạng “phạt cho tồn tại”.

Hơn nữa, nhiều quan điểm còn xem việc tăng nặng mức xử phạt là giải pháp hữu hiệu để làm giảm các hành vi vi phạm giao thông, rằng cứ đánh thẳng vào túi tiền người tham gia giao thông là mọi việc đâu vào đấy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tăng nặng xử phạt không phải là tất cả bởi còn nhiều biện pháp khác như tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và cải tạo hạ tầng giao thông.

Trở lại câu chuyện trừ điểm giấy phép lái xe, hiện nhiều quốc gia áp dụng hệ thống điểm xử phạt để kiểm soát vi phạm. Quá ngưỡng cho phép, lái xe sẽ bị tước bằng và phải tham gia lớp đào tạo. Chẳng hạn, tại Italy mỗi tài xế được cấp 20 điểm. Nếu mất 20 điểm trong một năm, tài xế sẽ bị tước bằng trong 2 năm. Nếu 20 điểm bị trừ trong dưới 2 năm, thời gian tịch thu bằng là một năm.

Còn nếu trừ 20 điểm trong hơn 2 năm, thời gian tài xế không được lái xe là 6 tháng. Ngoài ra, với những lỗi nặng như lái xe trong tình trạng say xỉn, vượt quá tốc độ 40 km/h... tài xế sẽ lập tức bị thu bằng.

Rõ ràng, tính ưu việt của phương án cấp điểm thể hiện ở việc điểm trừ không thể hiện trên bằng lái mà lưu trữ trong cơ sở dữ liệu chung. Việc này giúp khắc phục được trường hợp người vi phạm đối phó bằng cách báo mất bằng, xin cấp lại để xóa bỏ vi phạm trước… Tuy nhiên, để phát huy những điểm mạnh nêu trên thì đòi hỏi các cơ quan chức năng phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, có sự thống nhất chung trong quản lý dữ liệu. Bên cạnh đó, tính nghiêm túc trong thực thi pháp luật cũng phải được đề cao.

Lực lượng chức năng phải khách quan, công tâm trong xử lý vi phạm, phải thực hiện nghiêm minh, không thỏa hiệp, nhất là không tiêu cực để trục lợi. Về phía bản thân mỗi người tham gia giao thông phải tự nâng cao ý thức, đi xe tuân thủ đúng luật, nếu vi phạm phải nghiêm túc chấp hành, thay vì xin xỏ, tranh cãi. /.

Nên nghiên cứu cẩn trọng

Trừ điểm giấy phép lái xe khi vi phạm mục đích cao nhất là hướng đến chấn chỉnh vi phạm, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông. Điều này hẳn nhiên đúng. Tuy nhiên, trước khi triển khai thực tế thì cần nghiên cứu kỹ, có lộ trình rõ ràng, tránh tình trạng chồng chéo trong phương cách xử lý, gây xáo trộn đời sống người dân.

(PGS.TS Bùi Thị An- nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng)

Chú trọng đến tính minh bạch, khách quan

Câu chuyện trừ điểm giấy phép lái xe hoàn toàn không mới. Không chỉ ở nước ngoài, tại Việt Nam một hình thức tương tự cũng từng được triển khai. Cụ thể, năm 2003, Cảnh sát giao thông trong quá trình làm nhiệm vụ từng áp dụng biện pháp “bấm lỗ” để đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe. Trường hợp bằng lái bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại lý thuyết về Luật Giao thông đường bộ. Nếu bị đánh dấu 3 lần, bằng lái hết giá trị sử dụng. Tuy nhiên, Đến năm 2007, Nghị định số 146/2007/NĐ-CP được ban hành đã chính thức bãi bỏ quy định bấm lỗ bằng lái. Nguyên nhân là bởi việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe dễ phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, thiếu thẩm mỹ và không được “liên thông” với biên bản và quyết định xử phạt… cũng là những lý do khiến hình thức này chưa hiệu quả. Ở câu chuyện trừ điểm giấy phép lái xe, có thể hiểu đây là một trong những hình thức xử phạt bổ sung với người vi phạm giao thông. Mục đích hướng đến là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đối với người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm hơn nếu việc triển khai trừ điểm đi vào thực tế sẽ dẫn đến tăng quyền cho lực lượng thực thi công vụ như Cảnh sát giao thông. Trách nhiệm của Cảnh sát giao thông sẽ lớn hơn, đòi hỏi tính minh bạch và khách quan cũng vì thế tăng theo.

(Luật sư Nguyễn Thị Loan, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội)

Có cơ chế thưởng phạt rõ ràng

Vi phạm Luật giao thông là chuyện không ai mong muốn và tai nạn giao thông cũng càng không ai muốn cả nhưng xét cho cùng vẫn nằm ở ý thức chấp hành và thái độ của người tham gia giao thông. Cá nhân tôi đồng ý với đề xuất cộng, trừ điểm vào dữ liệu giấy phép lái xe. Thưởng, phạt phải công minh. Cứ lái xe an toàn, không vi phạm luật giao thông thì được cộng, thậm chí tích lũy điểm và được dùng như một căn cứ để giảm giá mua gói bảo hiểm bắt buộc hàng năm. Nếu người lái xe không phạm lỗi và có điểm tích lũy cao sẽ được mua cùng gói bảo hiểm bắt buộc với giá thấp hơn giá thường. Ngược lại, nếu lái xe vi phạm luật giao thông thì ngoài bị phạt như luật định, sẽ bị trừ điểm, nếu gây tai nạn trừ lũy tiến. Thiết nghĩ với cơ sở dữ liệu thống nhất và việc quản lý bằng hệ thống thông tin như hiện nay, nếu triển khai việc tính điểm thưởng/phạt vào bằng, người lái xe thấy rõ được/mất, sẽ có ý thức lái xe tốt hơn.

(Anh Đinh Hữu Hải, phường Định Công, quận Hoàng Mai)

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-tru-diem-giay-phep-lai-xe-thuc-thi-phai-khach-quan-cong-tam-nghiem-tuc-112805.html