Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình. (Ảnh: Quang Khánh/ĐBND)

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Việc miễn thuế cũng hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người nông dân, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2025) là phù hợp vì chỉ thực hiện trong thời gian nhất định. Đối với giai đoạn trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo tính khả thi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích, việc tiếp tục miễn thuế đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để mở rộng quy mô sản xuất, qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống. Quy định này không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nông nghiệp vẫn là cứu cánh cho nền kinh tế những lúc khó khăn nhất. Ngay cả khi dịch COVID-19 xảy ra, công nghiệp, dịch vụ đình trệ nhưng nông nghiệp vẫn sản xuất, công nhân mất việc tạm thời vẫn quay về mảnh vườn của mình.

Cho rằng miễn thuế hơn 7.000 tỷ đồng/năm cho khu vực đang chiếm 70% dân số của cả nước là không lớn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chính sách này rất quan trọng với tam nông. Vì thế, việc Quốc hội khóa XIV ban hành một Nghị quyết để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế nhằm khuyến khích sử dụng đất có hiệu quả và không lãng phí đất đai. “Trong 5 năm tới, Chính phủ phải báo cáo đầy đủ việc thực hiện chính sách này trong 20 năm qua đã mang lại kết quả gì để làm cơ sở sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Khi đó, phải tính tới những cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do để tiếp thu đầy đủ”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và cho rằng, cần tiếp tục thực hiện chính sách này trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và thẩm tra Dự thảo Nghị quyết cần rà soát lại các chính sách, đối tượng, miễn giảm thuế cũng như giải thích rõ hơn những trường hợp nào để đất bỏ hoang vì lý do gì. Ngoài ra, việc tổng kết 20 năm miễn thuế cũng cần được làm rõ hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ủy ban Tài chính-Ngân sách cần có báo cáo thẩm tra kỹ lưỡng hơn về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới./.

TG

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/de-xuat-tiep-tuc-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-den-nam-2025-553750.html