Đề xuất thí điểm công chức làm việc tại nhà: Hay nhưng 'bất khả thi'!

Đề xuất thí điểm cán bộ, công chức có thể làm việc ở nhà của ĐB Ngọ Duy Hiểu đã nhận được những tranh cãi trái chiều.

Công chức làm việc ở nhà chỉ áp dụng được với đội ngũ cán bộ, công – viên chức có phẩm chất, có tinh thần trách nhiệm, tính tự giác cao, kèm theo đó hệ thống máy móc phải được trang bị đầy đủ.

Vừa qua, Quốc hội thảo luận tổ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, không phải đến cơ quan, mỗi tuần chỉ cần đến cơ quan 1 – 2 lần.

Đề xuất này của ĐB Ngọ Duy Hiểu ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đa số các đại biểu Quốc hội khác. Cùng đó, những tranh cãi trái chiều cũng được chỉ ra không ít trên khắp các trang báo đăng tải, những bài viết trên mạng xã hội.

Xu hướng của các nước phát triển

Vấn đề nhân viên hành chính được làm việc từ xa đã thành phổ biến tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Ấn Độ... Tất nhiên, số nhân viên hành chính Nhà nước làm việc tại nhà so với số nhân viên tại các khu vực kinh doanh thương mại sẽ ít hơn, nhưng lại có tỷ lệ tăng cao theo từng năm, và dẫn cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ. Nhân viên hành chính tại một số bộ phận ở các nước này thông qua mạng điện tử, viễn thông, có thể ngồi tại nhà làm việc và mọi thao tác đều được thực hiện thông qua nền tảng điện tử viễn thông.

Ngoài mục tiêu giảm thiểu giao thông, tiết kiệm năng lượng,… tại các quốc gia trên, nghiên cứu về việc cho phép làm việc tại nhà cũng giúp giảm tình trạng căng thẳng trong công việc của nhân viên hành chính, giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Việt Nam hiện nay đang hướng tới việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh… hướng đến hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước. Nên đề xuất của ĐB Ngọ Duy Hiểu cũng cần phải được lắng nghe một cách nghiêm túc và một số lĩnh vực hiện nay có thể áp dụng được như lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đề tài, đề án hay tham mưu một vấn đề gì đó…

Không thể “vượt rào” dễ vậy được

Tuy nhiên, không phải cứ thấy người ta làm được thì liền “bắt chước”, chúng ta cần phải nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Họ quản lý công chức như thế nào? Điều kiện để chuyển từ công chức làm việc theo giờ giấc tại cơ quan sang công chức làm việc tại nhà ra sao? Tại sao xứ người làm được?

Liên quan đến đề xuất công chức làm việc ở nhà, ông Diệp Văn Sơn - nguyên cán bộ của Bộ Nội vụ cho rằng, xu hướng trên phù hợp với thời đại công nghệ thông tin nhưng chỉ áp dụng được với đội ngũ cán bộ, công – viên chức có phẩm chất, có tinh thần trách nhiệm, tính tự giác cao, kèm theo đó hệ thống máy móc phải được trang bị đầy đủ.

Ông nói: “Đối chiếu với đội ngũ cán bộ, công – viên chức ở Việt Nam hiện nay, đề xuất này chưa khả thi. Trên thực tế, cán bộ, công – viên chức Việt Nam còn theo kiểu chấm công ăn lương. Chưa kể, nhiều người còn “ăn cắp” giờ công, trốn việc đi chơi, làm chuyện riêng mà cho làm ở nhà nữa chẳng khác nào “thả hổ về rừng”. Ngoài ra, lương phải đủ sống để không tranh thủ làm việc khác”.

Thực tế, thống kê mới đây có đến hơn 30% cán bộ công chức trong tình trạng “sáng cắp cặp đến cơ quan chiều cắp cặp về”. Ở cơ quan, đơn vị, có người quản lý mà cán bộ, công – viên chức còn trốn đi nhậu, đi đền, lấy xe công đi chùa, đi nhà sếp ăn tiệc ngay cả trong giờ làm việc… Bấy nhiêu thôi, có đủ thấy có nên để cán bộ làm việc ở nhà không? Nếu đề xuất này được áp dụng thì có nhiều người nghiễm nhiên sẽ trốn việc một cách công khai.

Mặt khác, hiện nay chúng ta đang gặp một số khó khăn nhất định trong việc thực hiện “chính quyền điện tử”. Liên thông điện tử còn chưa xong, nộp hồ sơ qua mạng còn khó… huống hồ gì quản lý con người qua… công nghệ.

Song song, có những lo lắng về việc tiêu cực của cán bộ, công – viên chức khi giải quyết công việc cho dân ở nhà. Đó là chưa kể đến chuyện, nhiều công việc không được phép đưa tài liệu, hồ sơ về nhà riêng... Điều này có nghĩa là, việc này rất khó chứ không đơn giản. Không phải chúng ta muốn “vượt rào” là vượt được đâu.

Thiết nghĩ, chuyện cán bộ, công – viên chức làm việc tại nhà rất hay, trong trường hợp có sự đồng bộ từ hệ thống công nghệ, phương tiện cho đến con người. Nhưng, xét một cách toàn diện, đề xuất này trong bối cảnh hiện nay của nước ta là “bất khả thi”. Và thiết thực nhất vẫn là chúng ta phải quyết liệt tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, thay vì cứ ngồi đó nghĩ chuyện “làm sao để đi trên mây”.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/de-xuat-thi-diem-cong-chuc-lam-viec-tai-nha-hay-nhung-bat-kha-thi-120397.html