Đề xuất thay đổi tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi nhằm tạo ra sự chia sẻ nhất định giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp...

Ảnh minh họa.

Trong dự thảo vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất nhiều nội dung sửa đổi như: cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu; chế độ trợ cấp...

Tại dự thảo mới nhất, Bộ này cho rằng chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp.

Qua rà soát trong Luật Bảo hiểm xã hội có 11 nội dung liên quan gắn với mức lương cơ sở như: Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; mức lương hưu hằng tháng thấp nhất; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hàng tháng...

Tuy nhiên, theo nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì tới đây sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở.

Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi hoàn thiện chế độ hưu trí theo hướng hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí.

Đồng thời, sửa đổi các căn cứ đóng, điều kiện, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đảm bảo phù hợp, thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cụ thể, đề xuất sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu. Hướng sửa đổi là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được tính theo mức bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội của người đó và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trung bình của tất cả mọi người tham gia theo một tỷ lệ phù hợp.

Cùng với đó là sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, việc sửa đổi này nhằm tạo ra sự chia sẻ nhất định giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp.

Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với việc những người lao động đang tham gia ở mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trên mức trung bình sẽ bị giảm quyền lợi thụ hưởng. Ngược lại, người lao động đang tham gia ở mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội dưới mức trung bình sẽ được gia tăng quyền lợi hưởng.

Điều này có thể gặp phải sự phản ứng của bộ phận người lao động có mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao.

Đối với việc sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội, Bộ nhận định có thể tạo động lực cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội với thời gian dài hơn (tỷ lệ tích lũy đối với các năm về sau càng ngày càng cao hơn).

Bên cạnh đó, sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí, khuyến khích nhóm lao động có mức lương hưu thấp, người tham gia bảo hiểm xã hội có mức tiền lương thấp bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nhật Dương -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-thay-doi-tien-luong-dong-bao-hiem-xa-hoi-de-tinh-luong-huu.htm