Đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong việc kiểm sát người chấp hành án treo tại địa phương

Quá trình kiểm sát việc chấp hành pháp luật về án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND xã, phường, thị trấn cho thấy, người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo thường có các vi phạm phổ biến như: Khi đi khỏi địa phương nhưng không khai báo theo quy định, định kỳ 3 tháng không tự nhận xét và nộp bản tự nhận xét cho người được phân công giám sát, giáo dục…

 VKSND huyện Tân Biên triển khai Quyết định kiểm sát tại Công an thị trấn Tân Biên.

VKSND huyện Tân Biên triển khai Quyết định kiểm sát tại Công an thị trấn Tân Biên.

Với những vi phạm nêu trên thì căn cứ điều 67 Luật thi hành án hình sự thì UBND xã có quyền kiểm điểm nhắc nhở nếu vi phạm mức độ ít nghiêm trọng; căn cứ điểm k khoản 1 điều 63 Luật thi hành án hình sự ra quyết định xử phạt hành chính nếu vi phạm mức độ nghiêm trọng.

Nếu vi phạm nhiều lần với mức độ nghiêm trọng và dạng tái phạm thì UBND xã kết hợp với Cơ quan thi hành thi hành án hình sự huyện đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội không chấp hành án theo Điều 380 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018. Trong đó, tại điều 10 quy định như sau:

Điều 10: Trường hợp người được hưởng án treo bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo do cố ý vi phạm nghĩa vụ. Người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự từ 2 lần trở lên”.

Quy định trên cho thấy khó thực hiện trong thực tiễn, bởi lẽ:

Bản án của Tòa án tuyên phạt bị cáo mức án tù nhưng cho hưởng án treo là do Hội đồng xét xử quyết định căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và đặc điểm nhân thân của bị cáo theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự. Quy định trong Nghị quyết nêu rằng vi phạm từ 2 lần trở lên, nhưng mức độ cụ thể như thế nào, vi phạm cụ thể như thế nào thì bị đề nghị buộc phải chấp hành hình phạt tù.

Thời gian phải chấp hành hình phạt tù được tính cho bị án cụ thể như thế nào: toàn bộ thời gian tuyên trong bản án hay từ ngày vi phạm và phải chấp hành thời gian còn lại. Ví dụ, bị án có mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm. Trong suốt quá trình chấp hành tại địa phương, bị án chấp hành tốt trong suốt thời gian 4 năm 6 tháng. Tuy nhiên, 6 tháng còn lại bị án vi phạm nhiều lần quy định của Luật thi hành án hình sự. Như vậy, buộc bị án phải chấp hành phạt tù như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán được các cơ quan liên quan trong hoạt động xét xử áp dụng thực hiện mà thường là Tòa án và Viện kiểm sát thực hiện (theo quy định tại điều 21 Luật ban hành văn bản thì Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc án dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử). Như vậy, Cơ quan thi hành án hình sự tại địa phương và UBND cấp xã không vận dụng một cách bắt buộc khi chưa có hướng dẫn của ngành dọc cấp trên.

Nhìn lại các quy định của pháp luật đã ban hành đã và đang thực hiện, trong đó có pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Do văn bản quy phạm pháp luật được UBTV Quốc hội ban hành nên các cơ quan có liên quan thực hiện triệt để. Hay như Trình tự, thủ tục xét rút ngắn thời gian thử thách thì thực hiện theo thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công an- Bộ quốc phòng-Tòa án nhân dân tối cao-Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thế nhưng Thông tư này đang còn hiệu lực thi hành thì Nghị quyết 02 của Hội đồng thẩm phán cũng quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách, nhưng qua xem xét những quy định này không trái với quy định tại thông tư. Mặt khác, trước tình hình thực tế là Bộ luật hình sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì Nghị quyết 02 ra đời có ý nghĩa tích cực là nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu thực hiện phù hợp với các Bộ luật này.

Với những phân tích và tổng hợp những vướng mắc nêu trên, quan điểm của người viết bài đề xuất cần có thông tư liên tịch của liên ngành trung ương quy định và hướng dẫn cụ thể việc buộc người chấp hành án treo phải chấp hành hình phạt tù khi có vi phạm nghĩa vụ trong thời gian chấp hành tại địa phương.

Ngô Văn Lập - VKSND huyện Tân Biên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/de-xuat-thao-go-vuong-mac-trong-viec-kiem-sat-nguoi-chap-hanh-an-treo-tai-dia-phuong-70288.html