Đề xuất thành lập viện nghiên cứu tư nhân liên kết giữa nhà khoa học với nông dân

Theo đề xuất được nêu ra mới đây trong hội thảo ở Long An, nên có Viện nghiên cứu hoạt động theo mô hình tư nhân với nòng cốt là những nhà khoa học từ các trường Đại học ở TP.HCM nhằm nghiên cứu, chuyển giao các thiết bị kỹ thuật cho nông dân các tỉnh Tây Nam Bộ.

Mới đây, sáng ngày 27/9 ở Long An, hội nghị "Cơ khí nông nghiệp thông minh cho đồng bằng sông Cửu Long" đã được UBND TP.HCM phối hợp với Đại học Quốc Gia TP.HCM chủ trì tổ chức, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM phối hợp với Đại học Bách Khoa TP.HCM thực hiện.

Một trong những ý kiến đáng chú ý trong hội nghị là đề xuất lập Viện nghiên cứu cơ khí nhằm liên kết giữa TP.HCM và Tây Nam Bộ của kỹ sư Nguyễn Thế Hà, Giám đốc đầu tư công ty Bùi Văn Ngọ - một doanh nghiệp có tiếng về các thiết bị cơ khí.

Theo đề xuất của ông Hà được Trang thông tin điện tử Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đăng tải, Viện nghiên cứu sẽ hoạt động theo mô hình tư nhân với nòng cốt là những nhà khoa học từ các trường Đại học ở TP.HCM nhằm nghiên cứu, chuyển giao các thiết bị kỹ thuật phục vụ cho nông dân các tỉnh Tây Nam Bộ.

Mới đây sáng ngày 27/9 ở Long An, hội nghị "Cơ khí nông nghiệp thông minh cho đồng bằng sông Cửu Long" đã được tổ chức. Một trong những ý kiến đáng chú ý trong hội nghị là đề xuất lập Viện nghiên cứu cơ khí nhằm liên kết giữa TP.HCM và Tây Nam Bộ của kỹ sư Nguyễn Thế Hà (người thứ 2 từ trái sang). Nguồn ảnh: Trang thông tin điện tử Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM.

Mới đây sáng ngày 27/9 ở Long An, hội nghị "Cơ khí nông nghiệp thông minh cho đồng bằng sông Cửu Long" đã được tổ chức. Một trong những ý kiến đáng chú ý trong hội nghị là đề xuất lập Viện nghiên cứu cơ khí nhằm liên kết giữa TP.HCM và Tây Nam Bộ của kỹ sư Nguyễn Thế Hà (người thứ 2 từ trái sang). Nguồn ảnh: Trang thông tin điện tử Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM.

Ông Hà chia sẻ, nghiên cứu mới đây cho thấy, tổn thất các khâu trong canh tác trong và sau thu hoạch nông nghiệp còn ở mức cao về khối lượng và chất lượng, quy ra giá trị lớn hơn 15%, tức là vào khoảng 5,2 tỉ USD mỗi năm. Điều này cho thấy sự cần thiết trong cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng máy móc trong hoạt động sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế. Thậm chí, nông dân mua các loại máy sấy hiện đại của Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng hoạt động không ổn định vì máy móc ngoại nhập nhiều khi không phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.

"Trong khi đó, chúng ta có nhiều chuyên gia, nhà khoa học giỏi ở Đại học hoàn toàn có thể làm việc này. Tôi từng học ở Đại học Bách khoa TP.HCM và có thể khẳng định là chúng ta có thể chế tạo những máy móc cho nông nghiệp thích nghi tốt hơn so với các loại máy ngoại nhập" - ông Hà khẳng định.

Và cũng theo ông Hà, nhiều nông dân hiện nay rất sáng tạo, có thể chế tạo ra nhiều máy phù hợp với quy mô sản xuất, đặc điểm của các loại hình sản xuất nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, nông dân sáng chế lại thiếu yếu tố giáo dục để có thể đưa ra những nghiên cứu mang tính chuẩn mực trong hoạt động sáng chế.

Ông Hà nói: "Vì thế, tôi nghĩ cần thành lập Viện nghiên cứu tư nhân nối kết giữa nhà khoa học trong trường Đại học và nông dân Tây Nam Bộ. Nông dân đặt hàng cho nhà khoa học tại TP.HCM để cùng nghiên cứu, sau đó chuyển giao công nghệ, tổ chức các chương trình đào tạo kiến thức cho nông dân. Khi ứng dụng máy móc vào sản xuất, năng suất tăng lên, nông dân chúng tôi có thể cung cấp nông sản cho thị trường TP.HCM".

Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, thành phố hiện nay tập trung gần 40% nhà khoa học của cả nước, với nhiều trường Đại học TP.HCM rất phù hợp để trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu, phát triển ứng dụng máy móc thiết bị cho vùng Tây Nam Bộ.

Mô hình viện nghiên cứu tư nhân như trên khá phù hợp với chủ trương hiện nay. Trong Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có đặt ra kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại.

Theo đó kế hoạch là sẽ chuyển một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng mà sản phẩm khoa học có khả năng thương mại hóa thành doanh nghiệp hoặc chuyển về trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Đồng thời, sẽ chuyển một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học, học viện để thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo.

H.A.H

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/thoi-su/su-nghiep-cong-lap/de-xuat-thanh-lap-vien-nghien-cuu-tu-nhan-lien-ket-giua-nha-khoa-hoc-voi-nong-dan-191098.ict