Đề xuất thành lập ủy ban đặc biệt chuyên trách về Covid-19 của ASEAN

Ủy ban sẽ là cơ chế giúp cho quá trình ra quyết định hành động của ASEAN được nhanh chóng, tận dụng công nghệ số để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu các hoạt động doanh nghiệp trong năm ASEAN 2020 sáng 22/7, TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ASEAN BAC 2020 cho biết, trong bối cảnh các nước ASEAN cũng như toàn thế giới đang hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản xuất suy giảm, nhân công thiếu hụt, chuỗi giá trị đứt gẫy…, VCCI đã đưa ra các đề xuất tại Hội nghị trực tuyến đặc biệt về ứng phó với Covid-19 của Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN ngày 04/06/2020 về việc thành lập một Ủy ban đặc biệt chuyên trách về Covid-19.

Ủy ban này với các thành viên là quan chức cấp cao các nước ASEAN, và Ban cố vấn với các đại diện từ khối doanh nghiệp như thành viên ASEAN BAC, các Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp giữa ASEAN và các nước đối tác (Anh, Mỹ, EU, Canada, Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), các hiệp hội doanh nghiệp khu vực như Hiệp hội du lịch ASEAN, Mạng lưới ASEAN CSR, v.v...

Ủy ban sẽ là cơ chế giúp cho quá trình ra quyết định hành động của ASEAN được nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời để ứng phó các trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh; tận dụng công nghệ số để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và các ngành dễ bị tổn thương.

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương

Để ứng phó với Covid-19, ASEAN BAC cũng báo cáo và khuyến nghị về 6 biện pháp ưu tiên trong ngắn hạn ngắn hạn: (1) tăng cường khả năng xét nghiệm covid; (2) xóa bỏ, giảm thiểu rào cản phi thuế quan; (3) tự động hóa và đơn giản hóa thủ tục hải quan; (4) hoàn thiện và ra mắt RCEP; (5) thuận lợi hóa dòng chảy hàng hóa dịch vụ thiết yếu; (6) sự tham gia của khu vực tư nhân.

Sau đó, sáng kiến này đã tiếp tục được ASEAN BAC báo cáo tại cuộc đối thoại với Lãnh đạo ASEAN vào ngày 26/6 nhằm đưa ra các khuyến nghị và giải pháp thiết thực trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 từ góc nhìn của doanh nghiệp, đồng thời chỉ ra những khó khăn, hạn chế, các rào cản mà doanh nghiệp đang gặp phải, với mong muốn Chính phủ các nước quan tâm và tập trung giải quyết, khơi thông dòng chảy hàng hóa, dòng vốn đầu tư trong nội bộ ASEAN cũng như với các đối tác đối thoại tiềm năng ngoài ASEAN.

Tại cuộc Đối thoại với ASEAN BAC, các lãnh đạo ASEAN đã ủng hộ và đánh giá tích cực về khuyến nghị của ASEAN BAC và nhận định các khuyến nghị này có tác dụng cộng hưởng với chủ trương và chỉ đạo của các Lãnh đạo ASEAN nhằm thúc đẩy và làm cho ASEAN trở thành một điểm đến mới hấp dẫn cho các nhà đầu tư, góp phần vào sự thịnh vượng cho tất cả các nền kinh tế ASEAN cũng như người dân và doanh nghiệp trong khu vực.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, trong đó doanh nghiệp khu vực ASEAN và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, doanh nghiệp cần hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, phải quốc tế hóa và số hóa để tăng cường năng lực cạnh tranh, gắn kết và hội nhập.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-thanh-lap-uy-ban-dac-biet-chuyen-trach-ve-covid-19-cua-asean-d126273.html