Đề xuất thành lập thành phố Sơn Tây trực thuộc Hà Nội

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, ngày 17/3, lãnh đạo Thị ủy Sơn Tây đã đề xuất cho phép nghiên cứu thành lập thành phố Sơn Tây trực thuộc Hà Nội.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thị ủy Sơn Tây đã cho biết trong năm 2020, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của Sơn Tây đạt 9,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 441 tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán TP giao.

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn và nhu cầu phát triển của địa phương, thay mặt lãnh đạo thị xã Sơn Tây, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai đã nêu 10 nhóm kiến nghị thuộc các lĩnh vực: Quy hoạch, tài chính, đầu tư, tài nguyên, môi trường, xây dựng nông thôn mới... mong sớm được thành phố tháo gỡ, để tạo điều kiện cho địa phương phát triển trong giai đoạn tới.

Trong đó, Thị ủy Sơn Tây nêu 10 nhóm kiến nghị với TP gồm 4 nhóm kiến nghị chung và 6 nhóm kiến nghị cụ thể liên quan đến khu vực làng cổ Đường Lâm, chính sách đặc thù đối với khu vực bãi rác Xuân Sơn, công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư, quản lý đất đai, môi trường, đô thị và đầu tư xây dựng cơ bản.

Đáng chú ý, Thị ủy Sơn Tây kiến nghị thành lập thành phố Sơn Tây trực thuộc TP Hà Nội.

Cụ thể, Thị ủy Sơn Tây đề nghị cho phép nghiên cứu thành lập thành phố Sơn Tây trực thuộc TP Hà Nội trên cơ sở quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc và quy hoạch đô thị vệ tinh Sơn Tây.

Đối với làng cổ Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét có cơ chế đặc thù về cấp đất giãn dân cho các hộ gia đình trong khu vực làng cổ.

UBND TP Hà Nội tiếp tục có các cơ chế chính sách cho khu vực làng cổ Đường Lâm cụ thể như hỗ trợ vật liệu lợp mái ngói cho các hộ dân khi cải tạo sửa chữa nhà ở riêng lẻ để đảm bảo giữ không gian làng cổ.

Thành phố sớm có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thỏa thuận điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích Làng cổ ở Đường Lâm. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn di tích để đảm bảo thực hiện đầu tư, quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di tích có hiệu quả trong tương lai.

Đối với khu vực bãi rác Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ Seraphin; Đồng thời xem xét, tham mưu các chính sách hỗ trợ cho người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường thống nhất với chính sách đang thực hiện tại khu xử lý rác Nam Sơn.

Trước đó, năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định thành lập thành phố Sơn Tây trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây.
Khi đó, Thành phố Sơn Tây có 11.346 ha diện tích tự nhiên, 181.831 nhân khẩu và có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các phường: Quang Trung, Lê Lợi, Ngô Quyền, Sơn Lộc, Xuân Khanh, Phú Thịnh và các xã: Đường Lâm, Viên Sơn, Trung Hưng, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Trung Sơn Trầm, Kim Sơn, Sơn Đông và Cổ Đông.
Tháng 8/2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập với Hà Nội. Tháng 5/2009, Chính phủ ra nghị quyết chuyển Thành phố Sơn Tây thành Thị xã Sơn Tây, trực thuộc Thành phố Hà Nội như hiện nay.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-thanh-lap-thanh-pho-son-tay-truc-thuoc-ha-noi-d139555.html