Đề xuất thành lập lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã

Sáng 11-11, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng bày tỏ tán thành với việc bổ sung quy định về lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương là lực lượng tại chỗ để thực hiện kịp thời các nhiệm vụ phòng chống thiên tai trên địa bàn.

“Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo cần rà soát thêm để có quy định thống nhất về vị trí, vai trò của lực lượng dân quân tự vệ trong dự thảo luật với quy định của Luật Quốc phòng; đồng thời nên giao Chính phủ quy định về đối tượng được điều động, thẩm quyền được điều động cũng như chế độ, chính sách cho lực lượng này”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Đi cùng đề xuất thành lập lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, cần có quy định về chế độ, chính sách cho lực lượng này (Ảnh minh họa)

Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định về vật tư, trang thiết bị chuyên dung cho phòng chống thiên tai để phục vụ hiệu quả, song có ý kiến lại cho rằng không nên quy định nội dung này để đảm bảo tính linh hoạt trong thực hiện.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho rằng việc quy định cụ thể là cần thiết để ứng phó tốt đối với các loại hình thiên tai, tính chất thiên tai của vùng, miền.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của quy định này thì dự thảo luật cần bổ sung quy định danh mục vật tư, phương tiện chuyên dụng cho phòng chống thiên tai; rà soát bổ sung, sửa đổi danh mục để cập nhật, hiện đại hóa phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và điều kiện thực tiễn của các địa phương.

Về nguồn tài chính cho phòng chống thiên tai, báo cáo cho biết nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần thiệt hại do thiên tai; chi hàng năm từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho địa phương để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai bình quân khoảng 20% tổng mức thiệt hại.

Ở địa phương, có một số doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng công trình phòng chống thiên tai đê, kè chắn sóng, lấn biển… nhưng hiện còn thiếu quy định cụ thể về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cũng như cơ chế khai thác lợi ích từ công trình này để đầu tư trở lại cho phòng chống thiên tai.

Vì vậy, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường tán thành với việc bổ sung quy định như dự thảo luật để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đồng thời đề nghị cần có điều khoản quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính này; quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng như chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

"Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương, là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án phòng, chống thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền.

Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai; vật tư, phương tiện, trang thiết bị khác của Nhà nước; huy động của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự chuẩn bị".

(Trích dự thảo luật)

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/de-xuat-thanh-lap-luc-luong-xung-kich-phong-chong-thien-tai-cap-xa/832319.antd