Đề xuất tăng học phí từ mầm non đến đại học

Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo lần thứ 2 Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đang lấy ý kiến dư luận.

Nghị định này được ban hành sẽ thay thế nghị định số 86 ban hành năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất tăng 7,5% mỗi năm với học phí mầm non, phổ thông; tăng 12,7% mỗi năm đối với đại học tính từ năm học 2021-2022.

Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2 lần mức trần học phí trên. Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí trên.

Từ năm học 2021-2022, khung, học phí đối với mầm non, phổ thông được điều chỉnh theo tỉ lệ tăng tối đa 7,5%/năm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân. Với học phí đại học, Bộ GD&ĐT đề xuất mức tăng học phí năm học 2021-2022 là 12,5% ở bậc đại học so với năm học 2020-2021. Mức học phí cho các năm tiếp theo tăng với tỉ lệ tương ứng.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng dự kiến bổ sung thêm các đối tượng được miễn học phí theo lộ trình. Cụ thể, miễn học phí với đối tượng học sinh THCS ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2021-2022.

Dự kiến miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi ngoài đối tượng ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2023-2024.

Về mức hỗ trợ chi phí học tập với học sinh đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ lên 150.000 đồng/học sinh/tháng để phù hợp với mức chi tiêu thực tế hiện nay, giúp các em được hỗ trợ thêm kinh phí để mua sắm đồ dùng và dụng cụ học tập.

Hùng Quân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/de-xuat-tang-hoc-phi-tu-bac-mam-non-den-dai-hoc-619607/