Đề xuất tái phát minh Internet của Trung Quốc: Sự khởi đầu hay kết thúc của kỷ nguyên 'Internet phẳng'?

Trung Quốc và Huawei đang phát triển công nghệ cho một giao thức mạng mới. Nhưng mục đích sâu xa ở đây là gì, quyền lợi người dùng hay kiểm soát Internet?

Cấu trúc mạng mới có thể sẽ tạo nên bước đột phá về công nghệ nhưng các quốc gia phương Tây lại lo lắng rằng Internet sẽ bị kiểm soát nhiều hơn. Ảnh: FT

Cấu trúc mạng mới có thể sẽ tạo nên bước đột phá về công nghệ nhưng các quốc gia phương Tây lại lo lắng rằng Internet sẽ bị kiểm soát nhiều hơn. Ảnh: FT

Trung Quốc và Huawei đề xuất tái phát minh Internet

Trung Quốc vừa kiến nghị lên Liên Hợp Quốc (LHQ) về một sự thay đổi căn bản đối với cách thức hoạt động của mạng Internet. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chỉ trích rằng điều này sẽ khiến nền tảng web trở nên “độc đoán”.

Tập đoàn viễn thông Huawei, cùng với các công ty được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ như China Unicom và China Telecom cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) đã cùng nhau đề xuất lên Liên minh viễn thông (ITU) của LHQ một tiêu chuẩn mới cho công nghệ mạng lõi, được gọi là “New IP”.

Đề xuất của Huawei đã tạo ra mối quan ngại lớn từ các quốc gia phương Tây, trong đó có Anh, Thụy Điển và Mỹ. Các quốc gia tin rằng hệ thống mới này sẽ phân tán nền Internet toàn cầu và khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet của nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng Internet của công dân. Mặc dù vậy, đề xuất này lại nhận được sự ủng hộ từ Nga và có thể là cả Ả Rập Saudi, theo các đại diện của các quốc gia phương Tây tại ITU.

“Ẩn sâu trong đó là một cuộc chiến lớn đang diễn ra trên mặt trận Internet”, một đại diện dấu tên của Anh tại ITU cho biết.

“Bạn có thể nhìn thấy hai viễn cảnh: một là rất tự do và cởi mở, hai là chính phủ sẽ kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn”.

New IP của Huawei có kết cấu từ trên xuống và sẵn sàng được thử nghiệm vào năm 2021. Ảnh: FT

Huawei cho biết các công nghệ trong kiến trúc mạng mới đã được xây dựng với sự giúp đỡ của nhiều quốc gia và công ty. Tuy nhiên, danh tính cụ thể của các quốc gia và công ty này vẫn chưa được tiết lộ. Theo hãng, cấu trúc mạng mới sẽ sẵn sàng được thử nghiệm vào đầu năm 2021.

Tạp chí Thời báo Tài chính (Financial Times) đã công bố một bài thuyết trình trên PowerPoint của Huawei. Theo bài thuyết trình này, Huawei đã mô tả TCP/IP, cơ sở hạ tầng Internet hiện tại của thế giới cũng là nền tảng cho các mạng kết nối trên toàn cầu “không ổn định” và “không đủ” để đáp ứng các yêu cầu của thế giới kỹ thuật số vào năm 2030, bao gồm xe tự lái hay Internet của vạn vật,…

Do đó, Trung Quốc đã đề xuất với ITU về một “tầm nhìn dài hạn” và “gánh vác trách nhiệm của một thiết kế từ trên xuống đối với hệ thống kết nối trong tương lai”.

Huawei cho biết New IP đang được phát triển toàn diện để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của một kỷ nguyên kỹ thuật số đang phát triển chóng mặt và hãng cũng nói rằng công ty không hề xây dựng bất kỳ hình thức kiểm soát nào trong thiết kế của mình. “Gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc cho biết hãng đang đứng đầu một nhóm tại ITU tập trung vào công nghệ kết nối trong tương lai.

“Những nghiên cứu và đổi mới của New IP sẽ được “mở cửa” để các nhà khoa học và kỹ sư trên toàn thế giới có thể tham gia, đóng góp và phát triển”, một phát ngôn viên của công ty nói thêm.

Người đứng đầu ITU hiện nay là ông Houlin Zhao, một kỹ sư viễn thông người Trung Quốc, ông cũng là người được đề cử vào vị trí lãnh đạo MIIT của Trung Quốc năm 2014.

Tuy nhiên, theo tạp chí Financial Times, một bài báo sắp xuất bản cho NATO từ một công ty an ninh mạng có tên Oxford Information Labs đã cảnh báo rằng New IP sẽ cho phép “kiểm soát chặt chẽ hơn trên nền tảng mạng Internet” và rằng phương pháp của Trung Quốc “sẽ dẫn đến việc Internet bị chịu sự kiểm soát tập trung bởi những thế lực cấp cao, thậm chí có khả năng kiểm soát cả người dùng Internet, ảnh hưởng xấu đến bảo mật và nhân quyền".

Được biết, New IP hiện đang được xây dựng ở nhiều quốc gia, tuy nhiên Huawei không tiết lộ cụ thể các quốc gia này với lý do “nhạy cảm thương mại”.

Huawei và các nhà đồng phát triển khác đang có kế hoạch đẩy mạnh việc tiêu chuẩn hóa New IP tại một hội nghị viễn thông lớn của ITU được tổ chức tại Ấn Độ vào tháng 11.

Điểm khác biệt giữa New IP và cấu trúc mạng hiện tại

Ảnh: Huawei Update

Cấu trúc hiện tại của Internet đã được thiết kế cách đây nửa thế kỷ trước và hoạt động giống như một hệ thống bưu điện.

Để giải quyết các vấn đề về gửi đi các thông tin trên toàn thế giới, các kỹ sư đã chia nhỏ các tin nhắn thành những “bưu kiện” nhỏ để máy tính có thể truyền phát đi được cho đến khi chúng “đến đích”.

Mỗi “bưu kiện” được “đóng dấu” với địa chỉ (là IP) của máy tính mà nó muốn tiếp cận, máy tính sẽ tập hợp lại tất cả các bưu kiện theo đúng thứ tự khi nhận được chúng.

Quá trình này - sẽ diễn ra với tốc độ ánh sáng - được gọi là “giao thức điều khiển truyền”, hoặc TCP. Kết hợp với các hệ thống để xác định những máy tính riêng lẻ, chúng ta sẽ có được cái gọi là TCP/IP.

“Có thể nói, vai trò của TCP/IP đối với thế giới giống như DNA trong lĩnh vực sinh học”, John Naughton tác giả của cuốn “Tóm tắt lịch sử của tương lai: nguồn gốc của Internet” đã viết trong tác phẩm cùng tên.

New IP được Huawei mô tả là một “hệ thống địa chỉ IP linh hoạt hơn”, theo một bài viết được chia sẻ với FT. Các kỹ sư của Huawei đã mô tả cách Internet xâm nhập vào một số mạng riêng biệt, chẳng hạn như các mạng thông tin cá nhân và các mạng được kết nối qua vệ tinh.

“Quá trình kết nối giữa các mạng là một thách thức bởi vì cơ chế ghi địa chỉ không tương thích của họ”, theo báo cáo. Bài báo này cũng nói thêm rằng cần có một hệ thống địa chỉ hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu của các công nghệ mới nổi.

New IP sẽ cung cấp chúng, cho phép các thiết bị trong cùng một mạng có thể kết nối trực tiếp với nhau mà không cần phải gửi thông tin qua Internet.

New IP - Sự khởi đầu hay kết thúc của kỷ nguyên “Internet phẳng”?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Internet thế giới năm 2015, tại đây ông đã nói với những người tham dự rằng mọi quốc gia nên có thẩm quyền độc lập đối với nền tảng Internet của mình. Ảnh: FT

Mối lo ngại xung quanh hệ thống New IP của Trung Quốc là cách mà chính phủ hoặc nhà khai thác kiểm soát các địa chỉ IP.

Với đề xuất New IP, nếu như Trung Quốc gây tranh cãi về việc tập trung hóa ở cấp quốc gia thì Huawei, tác giả của cấu trúc mạng mới lại khiến các nhà phân tích lo lắng rằng công ty viễn thông này có khả năng giám sát và quản lý mọi thiết bị được kết nối với mạng.

Những người đã theo dõi bài thuyết trình về New IP của Huawei đã mô tả nó như một cách tiếp cận từ trên xuống để quản lý Internet, nó chỉ như một phần trong khái niệm "chủ quyền không gian mạng" của Trung Quốc.

Ảnh: FT

“Thay vì một “Internet phẳng”, “mở” và “toàn cầu”, có cùng tiêu chuẩn và giao thức trên tất cả các quốc gia thì mỗi quốc gia sẽ tạo ra một phiên bản Internet của riêng mình, chịu sự kiểm soát và định hướng của chính phủ”, trang Lightreading bình luận về New IP của Huawei.

Theo Financial Times

Thanh Ngọc

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/de-xuat-tai-phat-minh-internet-cua-trung-quoc-su-khoi-dau-hay-ket-thuc-cua-ky-nguyen-internet-phang-385586.html