Đề xuất sửa đổi quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cho biết, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp về hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong triển khai công tác này. Trải qua gần 7 năm thi hành, Nghị định là cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện công tác quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong việc quản lý nhà nước và xã hội, khẳng định vị trí, vai trò của công tác này trong hoạt động của bộ máy nhà nước ở cả trung ương và địa phương, từng bước củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Bộ Tư pháp nhận thấy việc thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có một số bất cập, hạn chế chủ yếu sau đây: Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác theo dõi thi hành pháp luật là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa điều chỉnh đầy đủ, toàn diện công tác theo dõi thi hành pháp luật trong khi phạm vi lĩnh vực theo dõi rộng; tiêu chí đánh giá chưa cụ thể, rõ ràng; các quy định khó áp dụng trong điều kiện thực tiễn; chưa xây dựng được cơ chế huy động sự tham gia, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân, công dân trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Về các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật, việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và biên chế làm công tác theo dõi thi hành pháp luật còn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế tại các sở, ngành của địa phương đang có xu hướng thu hẹp lại, biên chế làm công tác pháp chế không được bố trí nên đã gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện công tác pháp chế nói chung và theo dõi thi hành pháp luật nói riêng. Thông tư số 338/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về kinh phí cũng chưa quy định đầy đủ, cụ thể các đầu mục chi cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, nên có tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu khác nhau. Trong đó, đa số các địa phương chưa bố trí kinh phí riêng cho công tác theo dõi thi hành pháp luật mà lồng ghép vào các hoạt động khác.

Về tổ chức thực hiện theo dõi thi hành pháp luật, việc triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật (đặc biệt là hoạt động kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật) ở nhiều bộ, ngành và địa phương vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự phát huy vai trò, hiệu quả của công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước; việc kiểm tra, xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật đối với các vụ việc đột xuất hoặc theo chuyên đề chưa thực hiện được nhiều và chưa có hiệu ứng xã hội lan tỏa, việc phản ứng chính sách thông qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn còn chậm, thụ động, đặc biệt việc xử lý các kiến nghị của Bộ Tư pháp tại báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật hằng năm vẫn chưa được các Bộ, ngành quan tâm xử lý triệt để; việc huy động sự tham gia của nhân dân, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa thực sự sâu rộng, chưa phát huy được đầy đủ sự tham gia và phản biện từ chính cộng đồng xã hội trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa trở thành một kênh thông tin nhạy bén trong việc đánh giá, phản biện đối với các chính sách.

Về thực hiện chế độ báo cáo, việc thực hiện chế độ báo cáo theo dõi thi hành pháp luật hàng năm tuy đã đi vào nề nếp, nhưng chất lượng báo cáo chưa cao, thiếu độ tin cậy trong việc đánh giá chính xác, khoa học về tình hình thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước do không có số liệu chứng minh. Qua công tác theo dõi cho thấy, báo cáo của nhiều bộ, ngành và địa phương có tình trạng bỏ trống trong quá trình thống kê, tổng hợp. Bên cạnh đó, quy định về thời hạn báo cáo trong Nghị định hiện nay không còn phù hợp với Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 29/1/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.

Từ những lý do nêu trên, Bộ Tư pháp nhận thấy việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP là thật sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước, quản lý xã hội, cũng như yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo thực thi Hiến pháp năm 2013.

Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/de-xuat-sua-doi-quy-dinh-ve-theo-doi-tinh-hinh-thi-hanh-phap-luat/367307.vgp