Đề xuất sân bay ngàn tỷ: Lo chạy đua đầu tư công

Chính phủ nên lập danh mục các dự án ưu tiên giải ngân, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí.

Đề xuất làm sân bay Quảng Trị 8.014 tỷ đang gây tranh cãi. Những tranh cãi xoay quanh tính cần thiết cũng như hiệu quả, khả năng thu hồi vốn của dự án gần như không có, trong khi nguồn lực đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Đặt trong bối cảnh tác động tiêu cực từ dịch bệnh đang ảnh hưởng quá lớn, nhiều lo ngại một làn sóng chạy đua đầu tư công để cứu tăng trưởng sẽ lan rộng, nguy cơ gây lãng phí, thất thoát là rất lớn.

Lo ngại làn sóng chạy đua đầu tư công để cứu tăng trưởng. Ảnh minh họa

Lo ngại làn sóng chạy đua đầu tư công để cứu tăng trưởng. Ảnh minh họa

Bình luận về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 đã cơ bản được khổng chế tại Việt Nam, nhưng hệ quả để lại của dịch bệnh còn rất nặng nề đối với cả nền kinh tế và đời sống xã hội.

Về kinh tế, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, giao thương đình trệ, làm giảm cả “cung” và “cầu” trên thị trường thế giới, khiến tình hình sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp nếu không phá sản cũng phải chật vật xoay trở để tồn tại.

Về mặt xã hội, tình trạng thất nghiệp gia tăng trở thành mối đe dọa lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ổn định đời sống của người dân cũng như các địa phương.

Trong bối cảnh đó, để giúp hồi phục và thúc đẩy tăng tưởng nền kinh tế, đầu tư công chính là yếu tố chủ chốt, là giải pháp cứu nguy quan trọng giúp nền kinh tế đi qua khủng hoảng nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đầu tư công giúp tạo ra cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, giải quyết tiền lương cho hàng triệu người, giúp nâng cao đời sống người dân.

Đây là giải pháp hoàn toàn đúng đắn, cho thấy sự phản ứng nhanh nhạy, kịp thời của chính phủ.

Theo vị chuyên gia, nếu việc giải ngân vốn đầu tư công được tổ chức tốt sẽ có tác động rất lớn tới sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại, việc giải ngân dàn trải, ồ ạt và thiếu kiểm soát có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường, tiềm ẩn nguy cơ gây lãng phí, thất thoát tài nguyên, nguồn ngân sách quốc gia.

"Chủ đầu tư sẽ nhân cơ hội này chấp nhận lãng phí ít hoặc nhiều để được giải ngân nhanh.

Địa phương cũng nhân cơ hội này để kéo dự án, vẽ dự án, tranh thủ đầu tư, giải ngân cho bằng được, giải ngân cho hết.

Ví dụ như đề xuất làm sân bay Quảng Trị với tổng vốn 8.014 tỷ, nếu phân tích trên cơ sở kinh tế, khoa học có thể người dân chưa có nhu cầu sử dụng sân bay, đầu tư dự án không mang lại hiệu quả, đầu tư chưa cần thiết.

Về lâu dài, khoảng cách giữa các sân bay quá gần, trong khi nhu cầu đi lại bằng đường bộ, ô tô ngày càng tốt hơn, nhanh hơn, thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn nhiều lần thì việc bỏ ra hàng nghìn tỉ để đầu tư một sân bay chắc chắn không hiệu quả.

Nhưng từ phía Quảng Trị lại xem đây là cơ hội để "bằng bạn bằng bè", không chịu thua kém, thiệt thòi, phải có điểm nhấn, phải tạo hình ảnh đẹp cho địa phương...

Vì thế, nếu Quảng Bình hay Thừa Thiên - Huế đã có sân bay thì Quảng Trị cũng phải có.

Ở tầm nhìn địa phương sẽ luôn mong muốn có được dự án, có đầu tư, tạo việc làm, với hi vọng sẽ tạo ra sự bùng nổ tăng trưởng tại thời điểm trước mắt. Vì lý do này, sẽ không chỉ có Quảng Trị mà có thể sẽ có một cuộc chạy đua dự án tại các địa phương, nếu không có được sân bay, cảng biển thì phải có cái khác. Đây là vấn đề thực tế cần phải được đặt ra để có biện pháp ứng xử cho phù hợp", vị PGS phân tích.

Cũng theo PGS Nguyễn Thường Lạng, trong bối cảnh quá ngặt nghèo, một vài trường hợp không có sự lựa chọn khác có thể chúng ta buộc phải chấp nhận đầu tư, chấp nhận làm dự án không có hiệu quả để đánh đổi lấy việc làm, giải tỏa ách tắc cho nền sản xuất, giúp địa phương vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh đó là trong trường hợp không có lựa chọn khác thì mới chấp nhận phương án đầu tư mạo hiểm ngay cả khi biết rõ dự án không hiệu quả về mặt tài chính, kinh tế nhưng có khả năng tác động tới an sinh xã hội.

Vì thế, ở tầm nhìn vĩ mô, theo vị chuyên gia, cần lựa chọn một phương án giải ngân tối ưu hiệu quả nhất.

Muốn làm sân bay Quảng Trị 8.014 tỷ: Vì sao?

Theo PGS Nguyễn Thường Lạng, hiện tại, chúng ta đã có rất nhiều dự án trọng điểm cần triển khai nhưng đang thiếu vốn, hoàn toàn có thể tập trung hoàn thành các dự án này thay vì chạy theo dự án mới.

Theo đó, Chính phủ nên lập danh mục các dự án quốc gia trên toàn quốc, từ trung ương tới địa phương đang được triển khai hoặc cần phải triển khai trong giai đoạn này.

Trên cơ sở các danh mục dự án được thống kê các cơ quan chuyên môn sẽ thẩm định, đánh giá, tham mưu cho chính phủ cũng như địa phương về các dự án có tiềm năng, dự án hiệu quả để ưu tiền nguồn vốn, tập trung giải ngân cho những dự án đó. Việc giải ngân cũng có thể tập trung theo từng lĩnh vực, không nhất thiết giải ngân kiểu dàn trải, chia đều mỗi nơi một ít.

"Tôi lấy ví dụ, nếu trong danh mục ưu tiên xác định có 20 dự án cần ưu tiên giai đoạn này thì tập trung đầu tư, hoàn thành cho xong 20 dự án đó trước, xong mới tới các dự án khác sau.

Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, nếu xác định việc xây dựng sân bay Long Thành là cấp thiết thì tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sân bay Long Thành. Kể cả phải dừng lại các dự án giao thông chưa cần thiết khác.

Không nên xé nhỏ nguồn vốn, giải ngân lẻ tẻ, giải ngân đoạn đầu, đứt đoạn giữa, đoạn cuối dẫn tới lãng phí, thất thoát. Cũng không nên phân bổ ngân sách kiểu bổ đều cho các địa phương, việc chia đều nguồn vốn sẽ khiến các địa phương chạy theo lợi ích cục bộ, cứ có là được, địa phương này có sân bay địa phương khác cũng phải có rất lãng phí mà không hiệu quả", PGS Nguyễn Thường Lạng chỉ rõ.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, nếu không có thứ tự ưu tiên trong giải ngân công, để các địa phương chạy đua giải ngân thì có thể sẽ mang lại hiệu quả trước mắt, giúp địa phương tăng trưởng trong thời gian ngắn nhưng hậu quả từ các dự án không hiệu quả, bỏ hoang mà cả xã hội và nền kinh tế phải gánh chịu trong tương lai là rất lớn.

"Bài học từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính là một minh chứng cho việc đầu tư công không hiệu quả, gây mất lòng tin, bức xúc trong dư luận, cần phải tránh", ông Lạng nhấn mạnh.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/de-xuat-san-bay-ngan-ty-lo-chay-dua-dau-tu-cong-3414975/