Đề xuất rút thời hạn GPLX xuống 5 năm: Mục đích gì?

Nhiều lái xe không rõ đề xuất rút thời hạn GPLX xuống 5 năm để làm gì, trong khi đó việc này có thể gây thêm nhiều thủ tục phiền hà.

Tại dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT vừa được trình Chính phủ, Bộ Công an đề xuất rút thời hạn cấp GPLX xuống còn 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay đang được Bộ GTVT quy định.

Cụ thể: Tại Khoản 9 Điều 46 dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ về thời hạn GPLX quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Ngày 24/8/2020, trao đổi với Đất Việt về đề xuất này, anh Nguyễn Xuân Kiên (38 tuổi, lái xe có bằng B1 tại TP. Nam Định) bày tỏ sự khó hiểu trước đề xuất từ phía Bộ Công an đưa ra.

Theo anh Kiên, quy định hiện hành thì hạng A4, B1, B2 sẽ có thời hạn là 10 năm. Nếu người có GPLX hạng này quá thời giạn dưới 3 tháng mà chưa làm thủ tục cấp đổi bằng mới thì phải thi lại lý thuyết, còn từ 3 tháng trở lên thì phải thi lại cả lý thuyết và thực hành.

Đề xuất rút thời hạn GPLX xuống còn 5 năm được cho là không cần thiết (Ảnh minh họa).

Đề xuất rút thời hạn GPLX xuống còn 5 năm được cho là không cần thiết (Ảnh minh họa).

"Trong hồ sơ cấp lại bằng thì trường hợp nào cũng phải bổ sung giấy khám sức khỏe trong thời điểm 6 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ. Nên có thể hiểu việc cấp lại bằng là để cập nhật tình hình sức khỏe và bổ sung kiến thức về giao thông cho lái xe.

Mỗi lần làm thủ tục cấp lại GPLX phải mất 10 ngày (đối với trường hợp quá hạn dưới 3 tháng) và mất 60 ngày (đối với trường hợp quá hạn trên 3 tháng), trong quãng thời gian này người làm thủ tục cấp lại bằng không được sử dụng GPLX mình đang có. Điều này sẽ dẫn tới ảnh hưởng công việc cho lái xe" - anh Kiên bày tỏ.

Anh Kiên cho biết, đối với người sử dụng GPLX để xin việc và mưu sinh như mình thì thường xuyên xa nhà, phải liên tục di chuyển trên quãng đường dài nên mỗi lần làm thủ tục cấp lại GPLX sẽ không chỉ tiêu tốn thời gian mà còn ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống của mình.

"Hàng năm, lái xe đều được kiểm tra sức khỏe, đồng thời phải tự cập nhật các quy định mới khi tham gia giao thông. Nếu vi phạm thì bị cơ quan quản lý xử phạt rất nặng nên mỗi lái xe đều có ý thức trong vấn đề này.

Nếu việc cấp lại bằng chỉ để kiểm tra sức khỏe và cập nhật kiến thức cho lái xe là không phù hợp. Bởi điều này đã được làm thường xuyên, đồng thời chính đơn vị nơi lái xe làm việc cũng chủ động thực hiện điều này" - anh Kiên bày tỏ.

Anh Kiên cho rằng, thay vì việc quy định thời hạn GPLX thì cơ quan chức năng nên có chế tài mạnh hơn trong việc giám sát các đơn vị vận tải hoặc xử phạt lỗi vi phạm khi tham gia giao thông của các tài xế. Như thế, vừa mang tính thiết thực, đi thẳng vào ý thức của lái xe hơn là việc cấp lại GPLX chỉ mang tính thủ tục như hiện nay.

Còn TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB GTVT cho rằng, đề xuất rút thời hạn GPLX từ 10 năm xuống còn 5 năm không mới, vào năm 2017 Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cũng từng đưa ra đề xuất này nhưng vấp phải nhiều sự phản đối từ các nhà chuyên môn.

Nhiều người dân sợ thủ tục rườm rà mỗi lần đi cấp đổi GPLX.

Vị chuyên gia giao thông này cho rằng, việc xác định thời hạn GPLX cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng. Bởi chưa có thống kê nào chỉ rõ nguyên nhân của tai nạn giao thông là do những người sử dụng GPLX trên 5 năm nhiều hơn những người sử dụng GPLX dưới 5 năm.

Trong khi đó, thủ tục cấp đổi GPLX hiện khá phức tạp, nhiều khi cơ quan cấp đổi ở xa nơi cư trú của người có GPLX, công nghệ thông tin trong việc cấp đổi GPLX chưa đồng bộ...

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Luật Giao thông đường bộ và các nghị định của Chính phủ đã quy định thời hạn đổi GPLX từ 5 năm trước đây lên 10 năm và đã thực hiện nhiều năm nay. Việc này giúp cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân.

"Đề xuất rút thời hạn xuống 5 năm sẽ thêm thủ tục, làm phiền người dân. Hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng có thời hạn 10 - 15 năm.

Việc rút ngắn thời hạn, yêu cầu thêm khám sức khỏe sẽ phát sinh chi phí hành chính rất lớn, hàng triệu người phải đi làm lại thủ tục, thêm 1 giấy khám sức khỏe.

Trong khi GPLX 5 năm phải đổi nhằm mục đích gì, nếu thực hiện sẽ gây lãng phí tốn kém công sức, chi phí, thời gian của người dân", ông Thanh nói.

Trương Quang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-xuat-rut-thoi-han-gplx-xuong-5-nam-muc-dich-gi-3417831/