Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội: Người lao động phấn khởi

Dự thảo đề xuất về việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm của Bộ LĐ-TBXH (trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) mới đây đã nhận được sự đồng tình của nhiều người lao động.

Một người dân nhận lương hưu tại P.Tân Mai (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu

Một người dân nhận lương hưu tại P.Tân Mai (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu

Nhiều người lao động tại Đồng Nai cho rằng, đề xuất trên là phù hợp vì sẽ góp phần kéo giảm thực trạng người lao động đăng ký nhận chế độ BHXH một lần, thu hút được nhiều người tham gia BHXH, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi nhưng số năm tham gia BHXH thấp vẫn được hưởng các quyền lợi BHXH… Đồng thời, nhiều ý kiến cũng kiến nghị sửa đổi quy định liên quan đến chế độ lương hưu để hấp dẫn người tham gia BHXH hơn nữa.

* Người lao động phấn khởi

Chị Nguyễn Bích Ngọc, công nhân Công ty TNHH Changsin Việt Nam chi nhánh H.Long Thành cho biết, chị đã đóng BHXH được 10 năm nên rất mong đề xuất trên được thông qua, chỉ cần cố gắng làm thêm 5 năm là chị sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. “Khi đó tôi sẽ tìm công việc khác phù hợp với sức khỏe để làm. Theo quy định hiện nay thì tôi phải làm thêm 10 năm nữa mới đủ số năm đóng BHXH để được lãnh lương hưu, chỉ sợ mình không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc, đóng BHXH” - chị Ngọc chia sẻ.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người lao động hưởng BHXH một lần trong 3 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng nhanh, cụ thể: cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Việc hưởng BHXH một lần đồng nghĩa với việc trong tương lai người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống hằng ngày và không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe...

Tương tự, anh Lê Thanh Hà, công nhân tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom) phấn khởi cho rằng, nếu giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm rồi đến 10 năm để nhận lương hưu thì rất tốt, nhất là đối với những người làm công việc nặng nhọc và môi trường độc hại. “Tôi thấy thời gian đóng BHXH hiện nay quá dài, nhiều người lao động không đủ kiên nhẫn để tham gia, dẫn đến rời bỏ hệ thống BHXH, rút BHXH một lần. Rút ngắn thời gian tham gia sẽ tạo động lực cho người lao động phấn đấu làm việc để nhận lương hưu” - anh Hà nói.

Giảm thời gian đóng BHXH là đề xuất được nhiều người lao động nhìn nhận là phương án hợp lý bởi hiện nay người lao động nhận BHXH một lần, tức là không có lương hưu, diễn ra khá phổ biến. Chia sẻ về trường hợp của mình, ông Nguyễn Thanh Liêm (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) cho hay, thời điểm ông xin thôi việc dù đã đủ 20 năm đóng BHXH nhưng do chưa đủ tuổi nên không được lãnh lương hưu mà buộc phải chờ hơn 10 năm sau. Sau khi tính toán, ông thấy rằng nếu chờ đúng thời điểm để lãnh lương thì mức hưởng nếu áp dụng theo cách tính hiện nay sẽ rất thiệt thòi nên ông quyết định nhận BHXH một lần. “Theo tôi, ngoài việc giảm thời gian đóng BHXH, cơ quan chức năng nên cân nhắc sửa đổi các quy định liên quan đến việc giải quyết chế độ hưu trí sao cho phù hợp, làm sao để quyền lợi của người lao động được đảm bảo một cách tốt nhất” - ông Liêm kiến nghị.

* Tính toán để lương hưu không quá thấp

Đồng quan điểm trên, bà Trần Thanh Thảo (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, nên cân nhắc lại quy định phải chờ tới tuổi hưu mới được lãnh lương hưu. Khi đã đóng BHXH đúng số năm nhưng nghỉ việc khi chưa đến tuổi hưu mà không được hưởng lương hưu thì rất thiệt thòi. Chưa kể nếu tính đến mức trượt giá, do lương hưu vẫn tính theo hệ số và mức đóng BHXH của vài chục năm trước trong khi giá cả hiện tại đã tăng cao, với mức lương hưu như vậy đời sống người lao động sau khi nghỉ hưu cũng không tránh khỏi khó khăn.

Có lương hưu khi hết tuổi lao động để cuộc sống về già được đảm bảo là mong muốn của nhiều người lao động. Thế nhưng, vì sao ngày càng có nhiều người lao động lại quyết định nhận BHXH một lần thay vì chờ lãnh lương hưu. Thắc mắc này được các cơ quan chức năng giải thích là người tham gia chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi khi tham gia BHXH, cần tiền để giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống…

Tuy nhiên, lý giải trên theo một số người lao động là chưa đủ, mà nguyên nhân chính là do chính sách đóng BHXH hưởng lương hưu hiện nay chưa thật sự hấp dẫn. “Để thu hút người tham gia BHXH, cơ quan chức năng nên linh động thời gian đóng và mức chi trả lương hưu. Nên quy định theo tỷ lệ tương ứng, cụ thể hiện tại đóng 25 năm thì được hưởng 75%, nếu đóng ít hơn thì mức hưởng giảm dần, còn đóng nhiều hơn thì cần tăng mức hưởng. Làm sao để khi về già người lao động có thể tự sống bằng lương mà không phải dựa vào con, cháu. Có như vậy thì người lao động mới yên tâm tham gia” - ông Nguyễn Văn Lực (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đề xuất.

Không chỉ có người đang tham gia đóng BHXH mà một số người đang lãnh lương hưu cũng có ý kiến đề xuất cơ quan chức năng nên tính toán mức lương hưu phù hợp hơn để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Với nhiều trường hợp, lương hưu không chỉ đơn thuần là khoản lương hằng tháng mà còn là chỗ dựa cho người lao động khi về già.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202104/de-xuat-rut-ngan-thoi-gian-dong-bao-hiem-xa-hoi-nguoi-lao-dong-phan-khoi-3054004/