Đề xuất quy định cấm mua bán bào thai

Ngày 20/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đầu tư sửa đổi và Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), trong những năm gần đây, cử tri và nhân dân phản ánh nhiều về tình trạng mua bán bào thai, sử dụng bóng cười, sử dụng shisha hay còn gọi là thuốc lào Ả Rập diễn ra rất nhiều nơi nhưng kết quả xử lý còn rất hạn chế.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội cần có giải pháp để loại trừ nguyên nhân phát sinh các vi phạm, bổ sung cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Theo ông Cầu, thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất, mua bán, sử dụng những thứ nói trên tính chất nguy hiểm cho xã hội là rất lớn, nhưng các cơ quan chức năng vẫn rất lúng túng trong việc xử lý. Nguyên nhân chủ yếu là do quy định của pháp luật còn có lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước cũng như thiếu vắng các chế tài xử phạt.

Về tình trạng mua bán bào thai, theo ông Cầu, đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm hại đến bào thai, trẻ sơ sinh mà còn để lại hậu quả thương tâm cho người mẹ, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội. Quá trình điều tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng bào thai không phải là một bộ phận của cơ thể người mẹ. Bào thai cũng chưa phải là trẻ em. Vì vậy, không thể áp dụng Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi hoặc Điều 154 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người của Bộ luật Hình sự năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây chính là nguyên nhân làm cho hành vi mua bán bào thai diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện, tiền đề để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, ông Cầu đề nghị Quốc hội bổ sung vào Luật Đầu tư về việc cấm các hoạt động kinh doanh bào thai.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, cấm dịch vụ thám tử tư. Vì thông tin điều tra về bí mật kinh doanh hoặc bí mật Nhà nước đã bị cấm, còn đi điều tra bí mật đời tư thì Hiến pháp và Bộ luật Dân sự cũng cấm. Dịch vụ thám tử tư mục đích cuối cùng để làm gì mà chúng ta lại bỏ khỏi danh mục cấm? Không đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện là rất nguy hiểm, vì các hoạt động này thu thập rất nhiều thông tin về đời tư. Ở các nước làm rất chặt chẽ và nghiêm túc trong quản lý. Cho nên, theo ông Nghĩa nên cấm dịch vụ này, hoặc chí ít cũng đưa vào kinh doanh có điều kiện.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/de-xuat-quy-dinh-cam-mua-ban-bao-thai-tintuc452884