Đề xuất quản lý xe đạp điện như xe cơ giới: Cục Đăng kiểm... lấn sân?

Đề xuất coi xe đạp điện là phương tiện cơ giới của Cục Đăng kiểm Việt Nam được đưa ra với mục tiêu tăng cường quản lý phương tiện và hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cách làm này liệu có mang lại hiệu quả như mong đợi hay lại tạo thêm rào cản về thủ tục hành chính?

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra xe đạp điện trước khi đăng kiểm. Ảnh: Công Hùng

Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Sanh – Chuyên gia Giao thông đô thị, Giảng viên ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh về tính khả thi, hợp lý cũng như những tác động xã hội mà đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra nếu được thông qua.

Cục Đăng kiểm vừa đưa ra đề xuất sửa đổi trong Luật Giao thông đường bộ trong đó quy định coi xe đạp điện là phương tiện cơ giới để dễ quản lý và giảm tai nạn giao thông. Ông có đánh giá gì về đề xuất này?
- Tôi thấy Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra đề xuất này có vẻ hơi kỳ cục, mà đúng ra phải là Bộ GTVT trên cơ sở đề nghị của các địa phương. Trong trường hợp này, địa phương nào nhận thấy công tác quản lý xe đạp điện trên địa bàn gặp khó khăn trong vấn đề ATGT và cần có sự thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế thì các địa phương đó có thể kiến nghị lên Bộ GTVT.

Sau đó, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu tính thực tiễn và hợp lý của kiến nghị đó, nếu thấy phù hợp và xác đáng sẽ có ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Nếu dựa trên chức năng quản lý thì cơ quan quản lý xe đạp điện là các địa phương chứ không phải Cục Đăng kiểm. Bên cạnh đó, xe đạp điện cũng không phải đối tượng nằm trong các văn bản, nghị định quản lý của Bộ GTVT nên kể cả Bộ GTVT muốn có đề xuất đối với loại phương tiện này cũng có ý kiến đề nghị của các địa phương trước.
Theo ông đề xuất này liệu có khả thi?
- Đầu tiên phải xác định rõ đề xuất này dựa trên yếu tố an toàn hay dựa trên nhu cầu quản lý. Nếu dựa trên nhu cầu quản lý phải phân tích rõ tác động của đề xuất ấy với công tác quản lý xe đạp điện sẽ ra sao? Nếu được thông qua, sẽ được cái gì và không được cái gì?...
Theo tôi, xe đạp điện không nằm trong vấn đề đăng kiểm nhiều mà chủ yếu liên quan đến vấn đề tổ chức giao thông. Trước khi tính đến việc coi xe đạp điện là phương tiện cơ giới như đề xuất của Cục Đăng kiểm, chúng ta phải xác định rõ bản chất của xe đạp điện là loại phương tiện có động cơ cần được quản lý hay là loại xe đạp có gắn động cơ để hỗ trợ người đạp xe. Từ đó sẽ đưa ra được phương án quản lý phù hợp và hiệu quả.

TS Phạm Sanh – Chuyên gia Giao thông đô thị

Ông cho rằng muốn quản lý tốt xe đạp điện không nhất thiết phải quản lý phương tiện này như phương tiện cơ giới?
- Đây là phương tiện chủ yếu dành cho người cao tuổi và trẻ em. Thế nên, đối với vấn đề xe đạp điện, chỉ cần quản lý về mặt giao thông chứ không nên nặng nề về mặt đăng kiểm, đăng ký. Nên nhìn nhận xe đạp điện dưới góc độ quản lý an toàn giao thông hoặc trên phương diện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tránh ùn tắc giao thông sẽ hay hơn. Mình nên có những quy định riêng, hạ tầng riêng cho xe đạp điện hơn là bắt buộc phải đưa phương tiện này đi đăng kiểm để kiểm soát thiết bị, bộ phận... Vấn đề đăng kiểm phải nên tác động kiểm tra từ phía nhà sản xuất xe đạp mới đúng.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, một trong những lý do đưa xe đạp điện vào quản lý như xe cơ giới là trên thị trường xe đạp điện trôi nổi, kém chất lượng rất nhiều nên khó kiểm soát. Ông có đánh giá thế nào?
- Vấn đề này Bộ GTVT phải nghiên cứu thật kỹ, đánh giá tác động cụ thể ra sao chứ không phải cứ thấy sản xuất nhiều, xuất hiện nhiều xe đạp điện trên thị trường dẫn đến khó quản lý là lại muốn đưa vào quản lý như xe cơ giới.
Vấn đề sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Chỉ có một vài tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm là của Bộ GTVT thôi. Còn nếu xe đạp điện gây tai nạn nhiều thì phải nghiên cứu lại để điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ và những văn bản khác, thay vì cho xe đạp điện là đối tượng phải được đăng kiểm, kiểm tra các bộ phận, chi tiết.
Trên thế giới, việc quản lý xe đạp điện có khắt khe như đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam, thưa ông?
- Các nước phát triển khuyến khích người dân sử dụng các loại phương tiện thân thiện với môi trường, trong đó xe đạp và xe đạp điện. Còn với việc đăng kiểm xe, đa phần đều đã giao cho tư nhân thực hiện, cơ quan Nhà nước chỉ quản lý việc sản xuất là chính. Trách nhiệm quản lý này cũng được giao cho các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ... Theo tôi, liên quan đến vấn đề quản lý xe đạp điện, Bộ GTVT nên lên tiếng chứ như Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra đề xuất như vừa rồi là “dài tay” quá.
Xin cảm ơn ông!

Quý Nguyễn thực hiện

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-xuat-quan-ly-xe-dap-dien-nhu-xe-co-gioi-cuc-dang-kiem-lan-san-323413.html