Đề xuất quản Grab, FastGo, V-Car như taxi: Cản trở ứng dụng công nghệ, khách hàng chịu thiệt

Người tiêu dùng chịu thiệt, lái xe tốn thêm chi phí, việc phát triển ứng dụng công nghệ cho lĩnh vực vận tải bị thui chột... là những hệ quả được các chuyên gia cảnh báo sau khi Bộ GTVT đưa ra dự thảo Nghị định 86 sau 6 lần chỉnh sửa, đề xuất quản lý các xe đang sử dụng phần mềm kết nối điện tử như Grab, FastGo, V-Car… như xe taxi và thậm chí buộc xe chạy hợp đồng vận tải dưới 9 chỗ phải dùng hợp đồng giấy.

Xe hợp đồng vận tải dưới 9 chỗ phải taxi hóa hoặc bị cấm sử dụng hợp đồng điện tử. Ảnh KH

Kỳ lạ việc xe hợp đồng vận tải dưới 9 chỗ phải dùng hợp đồng giấy

Trong dự thảo lần thứ 6 của Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP), Bộ GTVT đề xuất phương án toàn bộ ôtô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử phải thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định kinh doanh của taxi theo lộ trình trước ngày 1.7.2019.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ GTVT cho rằng, xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử so với hoạt động của taxi có nhiều điểm tương đồng và có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện như hiện nay.

Do đó, Bộ đề xuất toàn bộ các xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải dù kết nối phần mềm điện tử như Grab hay không sẽ phải gắn phù hiệu "xe taxi" trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe, phải gắn hộp đèn trên nóc như taxi truyền thống. Các xe này cũng phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi...

Còn nếu vẫn muốn kinh doanh vận tải, các xe dưới 9 chỗ sẽ phải dùng hợp đồng giấy trong khi xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên thì được dùng hợp đồng điện tử. Với đề xuất này, hàng trăm HTX, hộ kinh doanh xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ bị "taxi hóa" và sẽ phải tốn không ít chi phí để chuyển đổi giấy phép và phù hiệu kinh doanh từ loại hình hợp đồng sang taxi hoặc từ bỏ công nghệ để trở về với hợp đồng giấy.

Đây được nhận định là một sự lãng phí lớn cho rất nhiều doanh nghiệp vận tải và xã hội khi họ đã phải thực hiện quy trình gắn phù hiệu xe hợp đồng trước đó, đồng thời cũng là sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp khi mà cùng kinh doanh vận tải theo hợp đồng, đơn vị được dùng hợp đồng điện tử đơn vị lại bắt buộc phải dùng hợp đồng giấy.

Quản lý gộp, bước lùi cho ngành vận tải

Trao đổi với báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng trong nền kinh tế chia sẻ thời cách mạng 4.0, các công đoạn trong hoạt động kinh doanh càng chuyên môn hóa thì năng suất lao động càng cao. Những công ty cung cấp phần mềm ứng dụng như Grab, FastGo, V-Car thực chất chỉ tham gia vào một công đoạn trong quá trình kinh doanh vận tải và làm cho nó hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.

Do đó, khi áp đặt, buộc các đơn vị này phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh, các thủ tục rồi chịu sự quản lý như một công ty taxi truyền thống là bất hợp lý và làm thui chột lĩnh vực phát triển các ứng dụng phần mềm trong kết nối giao dịch vận tải.

Theo chuyên gia này, việc quản lý gộp như vậy là không phù hợp, "bước lùi rất lớn, rào cản rất lớn cho việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực vận tải". Kết quả là người tiêu dùng chịu thiệt thòi bởi các nhà đầu tư nước ngoài lẫn các công ty công nghệ trong nước sẽ không dám đầu tư vào phát triển công nghệ trong lĩnh vực vận tải, tạo thêm chi phí cho các DN, giảm bớt sự cạnh tranh.

Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nôịcho rằng xe Grab là kết quả của công nghệ, không thể bắt nó mặc áo quần như taxi truyền thống. Nếu quản lý như taxi thì loại hình Grab sẽ "quay về thời kỳ đồ đá" mà không phát huy được công nghệ 4.0.

Theo ông Liên, thời gian qua taxi bị quản lý chặt chẽ gây mất bình đẳng với Grab, do đó cần nới lỏng các điều kiện cho taxi hơn, chứ không phải siết chặt mô hình xe dịch vụ dưới 9 chỗ như Grab, FastGo...

Khánh Hòa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xe/de-xuat-quan-grab-fastgo-v-car-nhu-taxi-can-tro-ung-dung-cong-nghe-khach-hang-chiu-thiet-636708.ldo