Đề xuất phương án đầu tư 18.200 tỷ đồng cho dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc

Dự án PPP xây dựng cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) có chiều dài từ 51 km - 67 km, quy mô 4 làn xe sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2024.

Theo báo Kinh tế & Đô thị ban Quản lý Dự án (QLDA) Thăng Long vừa cho biết, cơ quan này đã trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Theo dự kiến, dự án này sẽ được đưa vào đầu tư trong thời gian trung hạn 2021 - 2025 theo hình thức BOT.

Đây là dự án thành phần số 2 của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến dài 67km, quy mô 4 làn xe, tổng kinh phí khoảng 18.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này sẽ đi qua các huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), Đạ Huoai, Đạ Tẻl, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Giai đoạn đầu đường xây dựng rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Nếu được Bộ GTVT phê duyệt, các dự án sẽ được khởi công trong quý III năm 2022 và hoàn thành năm 2025

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sẽ cùng với cao tốc Liên Khương - Prenn (Đà Lạt) giúp hoàn chỉnh tuyến cao tốc nối liền từ TP Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sẽ cùng với cao tốc Liên Khương - Prenn (Đà Lạt) giúp hoàn chỉnh tuyến cao tốc nối liền từ TP Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên

Báo Đầu Tư cho biết theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của liên danh Đèo Cả - Hưng Thịnh – đơn vị tài trợ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, có 2 phương án tuyến triển khai Dự án.

Với phương án hướng tuyến 1, Dự án sẽ có điểm đầu tại Km59+596 (lý trình tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đây cũng là điểm cuối của Dự án thành phần 1 đoạn Dầu Giây - Tân Phú tại xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km110+500, giao với Quốc lộ 55 tại khu vực phường Lộc Phát, Tp. Bảo Lộc (giao với đường Nguyễn Văn Cừ). Dự án có chiều dài tuyến khoảng 67 km, tổng mức đầu tư khoảng 18.218 tỷ đồng.

Với phương án hướng tuyến 2, Dự án có điểm đầu tại Km59+596 (lý trình tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đây cũng là điểm đầu của Phương án hướng tuyến 1); điểm cuối tại Km126+360, giao với Quốc lộ 55 tại khu vực xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Chiều dài tuyến khoảng 51 km (trong đó có 1 hầm dài 700m và 1 hầm dài 2km). Với phương án này, tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 18.222 tỷ đồng.

Dự án phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô nền đường 17m với 4 làn xe cơ giới, giai đoạn 2 hoàn thiện đảm bảo bề rộng nền đường 22m.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, phương án hướng tuyến 1 và phương án hướng tuyến 2 đều có những ưu điểm khác nhau và sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án theo quy định.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là một trong 7 tuyến đường thuộc hệ thống đường cao tốc quốc gia tại khu vực phía Nam, kết nối với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trong khu vực.

Như vậy, khi dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) được đầu tư và cùng với dự án đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú đang được Bộ GTVT chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 thì ngoài việc phù hợp với quy hoạch, còn giải quyết được nút thắt lớn nhất của Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc, góp phần nâng cao hiệu quả rất lớn trong phát triển kinh tế liên vùng giữa tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên với khu vực miền Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Nguyễn Triệu

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/trinh-phuong-an-xay-cao-toc-tan-phu-bao-loc-tri-gia-18000ty-26977.html