Đề xuất phạt người vi phạm lao động công ích: Nước bạn thế nào?

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức lao động công ích để xử phạt một số hành vi vi phạm.

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 18/6, các đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu, xem xét và bổ sung hình phạt lao động công ích như một hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong luật Xử lý vi phạm hành chính.

"Việc áp dụng hình thức này tác động trực tiếp đến người vi phạm, vì sức lao động không thể thay thế được, còn tiền bạc có thể thay thế khi người vi phạm có thể vay mượn để nộp phạt", đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhấn mạnh.

Bà Hoa cho rằng, việc áp dụng hình thức xử phạt này có tác dụng tích cực hơn trong việc hình thành ý thức pháp luật, qua đó người vi phạm nhận thấy trách nhiệm, bổn phận của mình đối với cộng đồng và thúc đẩy quá trình tái hòa nhập xã hội.

 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: VOV.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: VOV.

Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức lao động công ích để xử phạt một số hành vi vi phạm.

Tại Mỹ và Anh, hình phạt lao động công ích được áp dụng với những người phạm tội chưa nghiêm trọng tới mức phải chịu thi hành án phạt tù. Cụ thể, những hành vi như phá hoại tài sản, ăn cắp vặt, gây gổ không nghiêm trọng, móc túi, lái xe khi say rượu, lừa đảo quy mô nhỏ…đều có thể áp dụng phạt lao động công ích.

Lao động công ích thường là những công việc liên quan tới cải thiện môi trường sống và khung cảnh địa phương, chẳng hạn như sơn sửa lại tường bị vẽ bậy, thu dọn rác thải và trang trí không gian công cộng...

Ở Anh, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, thẩm phán có thể tuyên buộc người vi phạm phải lao động từ 40 đến 300 giờ không được trả công.

Mục đích của hình phạt lao động công ích này là để răn đe người vi phạm về mặt tâm lý, từ đó ngăn ngừa họ tái phạm.

Chiếc áo phản quang màu cam với dòng chữ “Community Payback” dành cho người phải lao động công ích. Ảnh: LC.

Đáng chú ý, một số nước trên thế giới áp dụng hình thức lao động công ích để xử phạt người vi phạm giao thông và biện pháp này đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), những người vi phạm an toàn giao thông có thể bị buộc dọn dẹp đường phố, quảng trường, bãi biển, công viên, các khu bảo tồn thiên nhiên và chăm sóc người khuyết tật...

Công tố viên chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi và ghi nhận báo cáo về việc chấp hành của người vi phạm. Nếu người vi phạm không thực hiện tốt, công tố viên có thể đưa họ ra tòa.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp Abu Dhabi, số vụ vi phạm an toàn giao thông đã giảm ngoạn mục kể từ khi thực thi hình phạt lao động công ích vào tháng 3/2017.

Mời độc giả xem video: Nên áp dụng biện pháp phạt lao động công ích (Nguồn video: Nhân Dân TV)

Ở Colombia, lái xe say xỉn vi phạm lần đầu có thể bị treo bằng lái từ một tới 10 năm, trả tiền phạt gấp từ 90 tới 720 lần lương tối thiểu ngày và phải tham gia lao động công ích từ 20 tới 50 tiếng, bị tịch thu phương tiện từ một tới 10 ngày. Nếu tiếp tục vi phạm, mức phạt sẽ nặng hơn.

Trong khi đó, tại Alameda, bang California (Mỹ), lao động công ích được xem là hình thức xử phạt thay thế mức án tù đối với những phụ nữ vi phạm luật giao thông kể từ năm 1996.

Thiên An (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/de-xuat-phat-nguoi-vi-pham-lao-dong-cong-ich-nuoc-ban-the-nao-1398647.html