Đề xuất phân cấp quản lý Trung tâm GDNN- GDTX cấp huyện về cho các Sở GD&ĐT

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện, trong đó, việc quy định phân cấp quản lý Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Luật Giáo dục 2019 quy định trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở GDTX thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX. Do vậy, việc quy định cơ quan quản lý trực tiếp Trung tâm GDNN-GDTX thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, miễn là không trái với quy định tại các văn bản Luật khác.

Nghị định số 127 cũng quy định trách nhiệm của sở GD&ĐT: "Quản lý về chuyên môn đối với việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên của các trung tâm cấp huyện theo quy định". Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng nên giao cho các Trung tâm GDTX-GDNN cho Sở GD&ĐT các địa phương trực tiếp quản lý.

Theo đại diện sở GD&ĐT Lào Cai, hiện nay, Trung tâm GDTX-GDNN đang có 3 lực lượng quản lý: UBND cấp huyện, sở GD&ĐT, sở Lao động, Thương binh và xã hội; nhưng không đơn vị nào quản lý sâu, dẫn đến hoạt động của các trung tâm kém hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng nên giao cho các Trung tâm GDTX-GDNN cho Sở GD&ĐT các địa phương trực tiếp quản lý. Ảnh: Moet.gov.vn

Nhiều ý kiến cho rằng nên giao cho các Trung tâm GDTX-GDNN cho Sở GD&ĐT các địa phương trực tiếp quản lý. Ảnh: Moet.gov.vn

Bà Phạm Thị Nhàn, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – GDTX, sở GD&ĐT Quảng Ninh chia sẻ những khó khăn, bất cập khi giao Trung tâm GDNN-GDTX cho UBND huyện quản lý; từ đó mong muốn Sở GD&ĐT sẽ là đơn vị quản lý trực tiếp Trung tâm GDNN-GDTX.

Trong đợt khảo sát năm 2018 của Bộ GD&ĐT, có 70% tỉnh kiến nghị giao Trung tâm GDNN-GDTX cho Sở GD&ĐT quản lý trực tiếp, toàn diện. Riêng năm 2020, Vụ GDTX lấy ý kiến góp ý trực tiếp 199 giám đốc trung tâm cho thấy, có tới 177/199 (chiếm 89%) ý kiến giao sở GD&ĐT quản lý; còn lại 7% ý kiến giao UBND cấp huyện quản lý; 4% ý kiến giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định. Thực tế, hiện nay có 9 trung tâm GDTX của tỉnh Bắc Giang và 2 trung tâm GDTX của Bắc Ninh thí điểm sáp nhập giao sở GD&ĐT quản lý đang hoạt động hiệu quả, ổn định.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh/ TP trực thuộc Trung ương xem xét, nghiên cứu phương án sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; không sáp nhập Trung tâm GDTX cấp tỉnh, cấp huyện với trường trung cấp hoặc CĐ, chỉ sáp nhập trung tâm GDTX cấp huyện với trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề trên địa bàn cấp huyện; có lộ trình phù hợp để xem xét phương án giao quyền tự chủ cho các trung tâm GDTX theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-phan-cap-quan-ly-trung-tam-gdnn-gdtx-cap-huyen-ve-cho-cac-so-gddt-201068.html