Đề xuất nộp phạt giao thông trực tuyến

'Để đảm bảo công khai, minh bạch, Văn phòng Chính phủ đề nghị áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ…'.

Ngày 1-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đến việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe và thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt người tham gia giao thông vi phạm. Ảnh: Internet

Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt người tham gia giao thông vi phạm. Ảnh: Internet

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho biết hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ hầu hết được thực hiện theo hình thức trực tiếp ở tất cả công đoạn…

Thời gian từ 10 đến 72 ngày kể từ sau khi nhận biên bản vi phạm mới có thể hoàn tất trách nhiệm và nhận lại giấy tờ hoặc phương tiện, tài sản bị tạm giữ.

Như vậy, người bị xử phạt sẽ mất nhiều thời gian, công sức để liên hệ, thực hiện trách nhiệm nộp phạt của mình, nhất là những người có nơi thường trú, tạm trú không cùng địa điểm với nơi ra quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc trực tiếp nhiều lần sẽ rất dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.

“Để đảm bảo công khai, minh bạch, Văn phòng Chính phủ đề nghị áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ…” - ông Phan nói.

Theo đó, người bị xử phạt lựa chọn hình thức thực hiện nộp phạt sau khi có quyết định xử phạt (trong trường hợp này, người bị xử phạt sẽ bị tạm giữ giấy tờ hoặc phương tiện, tài sản).

Cụ thể, căn cứ trên một số nội dung thông tin của biên bản, hệ thống cho phép người bị xử phạt tra cứu để được cung cấp thông tin về tên quyết định xử phạt, số tiền xử phạt, tài khoản kho bạc phải nộp… để người bị xử phạt nộp phạt trực tuyến ngay trên hệ thống.

Việc nhận lại giấy tờ bị tạm giữ có thể cho phép người bị xử phạt lựa chọn hình thức gửi qua đường bưu điện hoặc nhận trực tiếp hoặc ủy quyền. Đối với nhận lại phương tiện, tài sản bị tạm giữ cho phép lựa chọn hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền.

Văn phòng Chính phủ nhận định khi áp dụng hình thức trực tuyến tương ứng sẽ tiết kiệm ít nhất hơn 1.300 tỉ đồng/năm cho xã hội…

Đồng tình với chủ trương, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng không chỉ thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà kể cả đường sắt, đường thủy, hàng không cũng cần được ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng bày tỏ băn khoăn về nguồn kinh phí, hành lang pháp lý….

Trong khi đó, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho biết đây cũng là mong đợi của lực lượng cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, hiện nay còn có một số vướng mắc trong quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu dùng chung….

Kết luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho rằng Thủ Tướng giao nhiệm vụ cuối năm 2019 khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân. “Chúng ta cần mạnh dạn làm, vừa làm vừa điều chỉnh, hoàn thiện” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết thêm: “Trong khi chúng ta chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước mắt có thể sử dụng các mã số như mã số BHXH, mã số thuế, số điện thoại di động… để xác thực định danh công dân. Trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chọn những vấn đề gì mà người dân và doanh nghiệp cần nhất thì sẽ làm trước. Chúng ta không làm đồng loạt nhưng làm một số dịch vụ mang tính trọng tâm, trọng điểm, để rút kinh nghiệm”.

Để triển khai thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ông Mai Tiến Dũng, cho rằng trước hết cần hoàn thiện thể chế, cần sửa đổi, bổ sung, ban hành Thông tư thuộc thẩm quyền của bộ nào thì bộ đó thực hiện ngay.

“Văn phòng Chính phủ sẽ cùng các bộ, ngành rà soát cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính cũng như vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện sẽ báo cáo Chính phủ để đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ. Những vấn đề liên quan đến luật sẽ báo cáo Quốc hội…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

V.LONG - H.ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/de-xuat-nop-phat-giao-thong-truc-tuyen-861441.html