Đề xuất nới thời gian, mở rộng đối tượng nhận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ: Doanh nghiệp vui mừng, giáo viên mong ngóng

Trước thông tin Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa ký Tờ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg sửa điều kiện nhận hỗ trợ gói 62.000 nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp và người lao động kỳ vọng, đề xuất này sớm được thông qua để giúp doanh nghiệp và người lao động giảm bớt khó khăn.

Doanh nghiệp vui mừng

Được vay ưu đãi để khôi phục sản xuất, trả lương cho công nhân đó là niềm mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp cũng như người lao động trong thời điểm hiện nay. Ông Trần Trọng Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Hải (Q.Tân Bình – TP.HCM) cho biết, khi nghe có gói hỗ trợ vay vốn 16 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh đã tìm hiểu về gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, theo quy định để được phê duyệt gói vay vốn này, thì buộc doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện như: Phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên... Vì số lượng lao động làm việc tại Công ty TNHH MTV Thanh Hải không đủ theo quy định, cũng như không đáp ứng được tiêu chí có 20% số lao động phải ngừng việc do trong thời gian xảy ra dịch, nên anh Hải không tiếp cận được gói vay này.

"Sau khi nghe thông tin Bộ LĐ-TB&XH vừa ký tờ trình lên Chính phủ sửa một số điều kiện nhận hỗ trợ gói 16.000 tỷ đồng theo Quyết định 15 nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vay, chúng tôi hy vọng sẽ sớm tiếp cận được nguồn vốn vay này để giải quyết vấn đề khó khăn hiện tại cho công ty", anh Hải tin tưởng.

Người sử dụng lao động mong muốn mong muốn Nghị quyết số 42 sửa đổi, bổ sung sớm được ban hành. Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Người sử dụng lao động mong muốn mong muốn Nghị quyết số 42 sửa đổi, bổ sung sớm được ban hành. Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Công ty bao bì Gia Hân tại Bình Dương cũng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Khi có gói hỗ trợ vay vốn 16 ngàn tỷ đồng, bà Trương Mỹ Anh tìm hiểu để làm thủ tục xin vay vốn nhằm trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, công ty Gia hân không thể làm thủ tục để được vay, do chưa đáp ứng được các tiêu chí của gói hỗ trợ vay vốn này, vì số lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp của chị Anh không đủ theo quy định, cũng như không đáp ứng được tiêu chí có 20% số lao động phải ngừng việc do trong thời gian xảy ra dịch, nên công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

"Việc nới rộng thời điểm tính hỗ trợ theo tôi đây là việc làm cần thiết và có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Có khá nhiều doanh nghiệp như tôi bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên đã tiến hành cho các nhân viên tạm nghỉ làm việc từ trước thời điểm ngày 1/4. Nếu theo quy định để được hỗ trợ vay vốn như trước đó, thì chúng tôi sẽ không thể nào được hưởng chính sách hỗ trợ này do thời điểm tạm hoãn diễn ra từ trước ngày 1/4", bà Trương Mỹ Anh, Giám đốc công ty Gia Hân chia sẻ.

Được biết, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không thể tiếp cận gói hỗ trợ này, do các điều kiện đưa ra quá khắt khe. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ có 1 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tiếp cận các nguồn vốn.

Tại Bình Dương chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, tính từ đầu dịch Covid-19 đến ngày 28/8, số doanh nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 301 với 237.758 công nhân lao động. Trong đó, có hơn 13.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; hơn 45.000 lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; hơn 100.000 lao động phải giảm giờ làm việc…

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 9/2020 toàn TP đã hơn 21.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hơn 328.000 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên và đã có hơn 118.000 người lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khi có đề xuất nới lỏng quy định vay gói hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ đồng, người lao động, người sử dụng lao động tại Thanh Hóa rất phấn khởi và mong muốn sớm được hỗ trợ. Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa cho biết: "Việc sửa đổi Nghị quyết 42 theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay là cần thiết, giúp người sử dụng lao động sớm tiếp cận với gói hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn lâu nay, giúp người sử dụng lao động nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội".

Phấn khởi trước thông tin sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TT, ông Vũ Công Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Cả tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc với khoảng 100 nghìn lao động. Thời gian qua, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc đã gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, việc tiếp cận gói ưu đãi theo Nghị quyết số 42 vẫn còn nhiều rào cản. Nay Bộ LĐ-TB&XH trình sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TT khiến chúng tôi rất vui mừng. Tôi sẽ sớm thông tin tới các thành viên trong ngành dệt may để họ yên tâm, sớm phục hồi và ổn định sản xuất".

Đối với doanh nghiệp, việc tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để vượt qua giai đoạn khó khăn chính là "phao cứu sinh". "Cái khó của chúng tôi lâu nay vẫn là vốn để duy trì hoạt động. Nếu được Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TT mà Bộ LĐ-TB&XH trình sẽ là tin vui đối với chúng tôi. Việc sửa đối sẽ giúp người sử dụng lao động dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn để duy trì việc làm cho người lao động, tạo cơ hội để doanh nghiệp phục hồi phát triển", ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Doanh nghiệp Khánh Thành chia sẻ.

Giáo viên trường tư thục mong ngóng

Theo đề xuất mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, những người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Đây thực sự là tin vui đối với giáo viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Giáo viên mầm non tư thục mong ngóng nhận được gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ. Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên trường mầm non Xứ Sở Thần Tiên (Long Biên, Hà Nội) cho biết, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, cô Hiền cũng như nhiều giáo viên làm việc tại các trường tư thục phải nghỉ việc không có lương nên đời sống rất khó khăn. Từ ngày 10/2 đến 15/5, nhà trường cho học sinh nghỉ học để thực hiện công tác phòng chống dịch nên giáo viên không có việc để làm, đồng nghĩa với việc không có lương. Rất nhiều giáo viên, người lao động rơi vào tình cảnh khó khăn do mất thu nhập nhưng chưa nhận được hỗ trợ từ gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng.

"Trong thời điểm cách ly xã hội và giãn cách xã hội, chúng tôi rất khó khăn vì nguồn thu nhập không có. Chúng tôi muốn kiếm việc làm thêm để có thu nhập nhưng trong thời điểm đó không có việc gì để làm. Không ít người bán hàng online, đi dọn nhà thuê,… nhưng thu nhập cũng không đáng bao nhiêu vì người người bán hàng trong khi thu nhập của đại đa số người lao động bị ảnh hưởng nên phải cắt giảm chi tiêu. So với nhiều người lao động mất việc đã được nhận hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ đồng chúng tôi rất tủi thân. Nếu nhận được hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch", cô Hiền nói.

Cô Bùi Lan Hương, giáo viên trường mầm non Ngôi Sao Xanh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Chúng tôi là những giáo viên hợp đồng làm việc tại trường mầm non tư thục bị mất thu nhập 3 tháng liên tiếp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng chưa nhận được hỗ trợ. Vừa mất hẳn nguồn thu nhập hàng tháng, chúng tôi vừa phải xoay xở số tiền để đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo đúng quy định. Suốt cả thời gian đó, chúng tôi thật sự rất khó khăn. Vì thế, chúng tôi rất mong Chính phủ thông qua đề xuất hỗ trợ các giáo viên, người lao động ở các trường tư thục của Bộ LĐ-TB&XH"

Cô Lê Thị Thương, giáo viên trường mầm non Happyhome (TP Thanh Hóa) phấn khởi: "Mong Nghị quyết số 42/NQ-CP sửa đổi bổ sung sớm được ban hành để người lao động như chúng tôi sớm được hỗ trợ, vượt qua khó khăn sau nhiều ngày mất việc vì đại dịch Covi-19. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng, nhà nước đã luôn quan tâm, giúp đỡ những người lao động vượt qua khó khăn".

Nhóm PV

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/de-xuat-noi-thoi-gian-mo-rong-doi-tuong-nhan-goi-ho-tro-62-nghin-ty-doanh-nghiep-vui-mung-giao-vien-mong-ngong-2020100309122194.htm