Đề xuất nhiều nội dung 'phải có' trong hợp đồng lao động năm 2021

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Thông tư Quy định chi tiết về nội dung hợp đồng lao động theo khoản 1, 2 và 3 Điều 21 của Bộ luật Lao động. Các nội dung quy định này nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động

Nội dung của hợp đồng lao động từ năm 2021 bảo đảm tốt hơn quyền lợi người lao động

Nội dung của hợp đồng lao động từ năm 2021 bảo đảm tốt hơn quyền lợi người lao động

Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động tại khoản 1; nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm tại khoản 2 và nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp tại khoản 3 Điều 21 của Bộ luật Lao động.

Theo đó, nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động được quy định cụ thể về Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động.

Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

Hợp đồng lao động đồng thời quy định rõ các nội dung liên quan như:

Công việc và địa điểm làm việc; Thời gian thực hiện hợp đồng lao động; Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; Chế độ nâng bậc, nâng lương; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Bảo hộ lao động; Bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp; Đào tạo bồi dưỡng trình độ kỹ năng nghề.

Điểm đáng chú ý, là nội dung thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.

Cụ thể, người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản ngoài hợp đồng lao động hoặc quy định thành các điều khoản trong hợp đồng lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động; việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.

Nội dung chủ yếu của thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ bao gồm: Danh mục, thông tin bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ cần bảo vệ; Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Hình thức bảo vệ bí mật; Quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động; Hình thức xử lý, mức bồi thường đối với hành vi vi phạm thỏa thuận,…

Trường hợp bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước hoặc có liên quan đến bí mật nhà nước thì nội dung thỏa thuận, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Đối với hợp đồng lao động làm một số công việc chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận trong hợp đồng lao động về phương thức giải quyết các trường hợp thực hiện hợp đồng lao động chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết như:

Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động; Mức lương; kỳ hạn trả lương; tiền lương ngừng việc; Thời giờ làm việc; làm thêm giờ; và Trách nhiệm của hai bên.

Nếu được thông qua, Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/de-xuat-nhieu-noi-dung-phai-co-trong-hop-dong-lao-dong-nam-2021-qhmI875Gg.html