Đề xuất người thân của người có chức vụ phải kê khai tài sản

"Việc tự phát hiện tham nhũng của các chi bộ, đảng bộ và các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền rất hạn chế, chủ yếu là do nhân dân, báo chí và cơ quan chức năng phát hiện" - ông Phạm Trọng Đạt (ảnh), Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã nói như vậy khi trao đổi với NTNN.

Thưa ông, theo báo cáo của Chính phủ, tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng và phức tạp, tuy nhiên việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong 3 năm gần đây lại giảm dần, vì sao?

- Nguyên nhân có rất nhiều, như báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đề cập. Theo tôi, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, người có chức sắc mới làm được. Bản thân những người đó tham gia vào công tác quản lý nhà nước nên hành vi tham nhũng của họ cũng tinh vi hơn, kín đáo hơn nên khó phát hiện. Nguyên nhân thứ hai là chúng ta chưa phát huy được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Việc tự phát hiện tham nhũng của các chi bộ, các đảng bộ và các tổ chức chính trị -xã hội, của chính quyền rất hạn chế. Việc phát hiện chủ yếu là do nhân dân, báo chí và cơ quan chức năng. Muốn phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng so với thực tế, cần đẩy mạnh vấn đề này lên.

Cơ quan điều tra phát hiện Giang Kim Đạt trong vụ án tại Vinashin nhờ nhiều người thân đứng tên tài sản tham nhũng. Ảnh: T..L

Năm 2016, có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, giảm 35 người so với cùng kỳ năm 2015. Có 16 vụ khởi tố điều tra về hành vi tham nhũng ngay trong chính lực lượng có chức năng chống tham nhũng.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề cập hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ, ở cấp xã, phường. Ông có suy nghĩ gì về nhận định này?

- Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nói đúng thực tế. Vừa qua chúng ta phát hiện nhiều vụ tham nhũng nhưng chỉ ở cấp xã, phường hay còn gọi là cấp cơ sở. Tại sao? Vì cấp cơ sở rất sát dân, chúng ta vận động quần chúng nhân dân giám sát nên người dân rất quan tâm đến vấn đề này. Thứ hai, những việc diễn ra ngần dân, sát dân, khi có tiêu cực khó qua được tai mắt nhân dân. Tuy nhiên, những vụ việc tham nhũng được nhân dân phát hiện chỉ là nhỏ, chưa phải mức độ lớn. Ở cấp tỉnh, cấp T.Ư, người dân khó tiếp cận nên việc phát hiện những tiêu cực, tham nhũng cũng khó khăn. Nói cách khác, ở cấp tỉnh, T.Ư, ít khi nhân dân giám sát được. Ví dụ, một dự án T.Ư đưa xuống cơ sở người dân, họ chỉ biết là T.Ư đưa xuống, còn sự minh bạch thế nào người dân không biết được. Còn những dự án nhỏ như làm đường ngõ, xóm, trạm điện, trường học... buộc phải minh bạch thì người dân biết.

Theo ông, cần có cách nào để người dân phát hiện cả những vụ tham nhũng từ cấp tỉnh, cấp T.Ư?

- Tất cả mọi thứ đều có quy chế giám sát, để huy động được người dân tham gia phát hiện tham nhũng theo đúng cương lĩnh của Đảng là dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra thì phải minh bạch. Những vấn đề thuộc phạm vi bí mật quốc gia không thể minh bạch được thì thôi, còn minh bạch được thì phải minh bạch, ví dụ như các dự án liên quan đến dân sinh. Nếu chúng ta chỉ huy động sức mạnh giám sát của dân mà không minh bạch, không cụ thể cho dân biết thì làm sao giám sát được cái gì sai, cái gì đúng. Việc này chúng ta làm chưa tốt, phải khắc phục.

Phát huy sức mạnh nhân dân trong việc phát hiện tham nhũng là điều rất quan trọng. Thời gian qua, hoạt động nhận tin tố giác tham nhũng từ điện thoại đường dây của Cục Phòng, chống tham nhũng thế nào, hiệu quả ra sao, thưa ông?

- Đúng là việc phòng, chống tham nhũng phải dựa vào nhân dân, nhưng vấn đề khái niệm người dân cũng phải hiểu rộng, không phải người ngoài đường, ngoài phố hay ở nông thôn, người lao động tự do mới là người dân. Cán bộ, công chức ở góc độ nào đó cũng là người dân. Anh làm việc ở cơ quan là ở vai cán bộ, nhưng khi trở về nhà anh cũng là người dân. Nhân dân cần được hiểu rộng như thế, với việc tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội, họ sẽ phát hiện tiêu cực, tham nhũng ở nơi này, nơi kia để phản ánh, tố giác.

Ở cơ quan tôi, trung bình một tháng tiếp thu hàng trăm nguồn tin liên quan đến vấn đề tham nhũng của nhân dân. Người dân gọi điện vào số điện thoại đường dây nóng hoặc gửi đơn thư. Từ nguồn tin báo đó, chúng tôi phải đi sâu vào tìm hiểu, phân tích và áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ để xác minh. Qua thực tiễn, tôi khẳng định tất cả nguồn tin do nhân dân cung cấp đều phục vụ rất tốt cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Chiều 28.10, một đại biểu Quốc hội phát biểu ở hội trường về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng có nói phải phát huy sức mạnh giám sát của người dân thông qua Mặt trận Tổ quốc. Tôi thấy ý kiến này rất đúng, ở quốc gia nào cũng vậy, mọi thứ càng minh bạch, cụ thể bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, điều đó sẽ tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có thể giám sát.

Thưa ông, thời gian qua không ít vụ cả họ làm lãnh đạo, trong cơ quan nhà nước có Sở 44/46 người là lãnh đạo, rồi chuyện bổ nhiệm cán bộ lúc sắp nghỉ hưu. Theo ông, đây có phải biến tướng của tham nhũng?

- Từ những vụ việc nêu trên mà khẳng định đó là thủ đoạn hay hình thức mới của tham nhũng thì chưa thể kết luận. Qua những vụ việc bổ nhiệm cán bộ mà báo chí nêu, sau đó người có trách nhiệm đều nói đúng quy trình. Nhiều việc theo hình thức thì đúng quy trình, nhưng thực ra quy trình đó chưa phản ánh hết thực chất bên trong, đây mới là vấn đề đáng bàn. Ví dụ như lấy phiếu tín nhiệm, có người làm việc nhiều, va chạm nhiều có khi phiếu thấp, còn có người không có va chạm, nói thế nào cũng gật phiếu lại cao. Hay một ví dụ khác, tôi là Bí thư tỉnh ủy hay Bí thư huyện ủy đề bạt mấy chục cán bộ là con em mình, theo quy trình thì đúng hết, không ai bảo sai. Nhưng đặt vấn đề nếu tôi không phải là Bí thư, liệu Ban cán sự đảng ở đó có đề bạt người nhà tôi hay lại giới thiệu người khác cũng có trình độ tương đương.

Đây là vấn đề chúng tôi cũng đang suy nghĩ và tới đây sửa Luật Phòng, chống tham nhũng phải tính đến vấn đề trách nhiệm người đứng đầu trong nhận thức về công tác cán bộ thế nào, cho tới thực hiện các quy trình, bên cạnh đó là ngăn chặn đến vấn đề lợi ích nhóm hoặc tư lợi.

Thưa ông, việc kê khai tài sản thời gian qua vẫn còn mang tính hình thức. Có ý kiến cho rằng, không nên kê khai tràn lan mà phải chọn lọc đối tượng mới dễ kiểm tra, giám sát, ông đánh thế nào?

- Qua công tác thực tế cũng như tham khảo kinh nghiệm nhiều nước, tôi thấy số lượng cán bộ phải kê khai tài sản nhiều hay ít không quan trọng. Vấn đề đối tượng kê khai có làm đúng không, chính xác không, kê khai rồi có quản lý được không, có cơ chế giám sát không, có biết được sự tăng giảm của tài sản không. Còn như kê khai tài sản mà không quản lý được, không công khai được thì kê khai làm gì. Điều căn bản trong việc kê khai tài sản là chúng ta phải công khai như thế nào, cần cụ thể hơn, rõ hơn. Bên cạnh đó là sự giám sát, quản lý việc kê khai tài sản. Còn như tài sản người ta kê khai thế nào thì biết thế, thiếu cơ chế nào quản lý, xác minh, thẩm định và công khai thì làm sao dân biết để phát hiện, cơ quan nhà nước cũng phát hiện được, đó là những bất cập tới đây phải bổ sung quy định khi sửa Luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo thống kê, có hơn một triệu người phải kê khai tài sản, sau này sửa luật rồi tôi nghĩ không phải một triệu người, hai triệu người hay mấy trăm nghìn người kê khai là vấn đề quan trọng. Sắp tới, khi sửa luật, có thể tôi sẽ đề nghị kê khai tài sản của cả người thân trong gia đình quan chức. Vì sao thế? Vì những quan chức nếu thu lợi bất chính khi mua nhà, mua đất, có anh nào dám đứng tên rồi kê khai số tài sản đó mà họ cho người thân trong gia đình, con cái trên 18 tuổi đứng tên. Bên cạnh việc kê khai, phải có các biện pháp để giám sát, kiểm tra.

Xin cảm ơn ông (!)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/de-xuat-nguoi-than-cua-nguoi-co-chuc-vu-phai-ke-khai-tai-san-719311.html