Đề xuất người nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan dựa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP).

Dự thảo nêu rõ, đối với yêu cầu cho hưởng ưu đãi thuế quan: Người nhập khẩu có thể được hưởng ưu đãi thuế quan dựa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do người xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người nhập khẩu phát hành, ngoại trừ quy định khác tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Nước thành viên nhập khẩu có thể: Yêu cầu người nhập khẩu phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cung cấp các chứng từ hoặc thông tin khác liên quan đến chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; quy định pháp lý các điều kiện cho người nhập khẩu phải đáp ứng để phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa…

Về miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, theo dự thảo, không một Nước thành viên nào yêu cầu nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp:

a) Trị giá hải quan của lô hàng nhập khẩu không vượt quá 1,000 đô la Mỹ hoặc trị giá tương đương theo đơn vị tiền tệ của Nước thành viên nhập khẩu hoặc trị giá cao hơn theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu; hoặc
b) Đó là hàng hóa mà Nước thành viên nhập khẩu đã miễn nộp hoặc không yêu cầu người nhập khẩu phải xuất trình chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Với điều kiện việc nhập khẩu không phải là một phần của một chuỗi nhập khẩu được tiến hành hoặc đã được lên kế hoạch nhằm trốn tránh việc chấp hành pháp luật của Nước thành viên nhập khẩu đang quản lý yêu cầu cho hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định.

Kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa

Để xác minh hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ có xuất xứ không, Nước thành viên nhập khẩu có thể tiến hành xác minh bằng một trong các hình thức sau: a) Yêu cầu bằng văn bản cung cấp thông tin từ người nhập khẩu hàng hóa; b) Yêu cầu bằng văn bản cung cấp thông tin từ người xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng hóa; c) Xác minh thực tế cơ sở sản xuất của người xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng hóa; d) Các hình thức khác do Nước thành viên nhập khẩu quyết định và Nước thành viên mà người xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng hóa có địa chỉ thường trú.

Trường hợp Nước thành viên nhập khẩu tiến hành xác minh, Nước thành viên đó sẽ phải chấp nhận các thông tin trực tiếp từ người nhập khẩu, người xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.

Hoàn thuế và cho hưởng ưu đãi thuế quan sau khi nhập khẩu

Người nhập khẩu có thể yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan và hoàn trả bất kỳ khoản chênh lệch thuế đã nộp cho hàng hóa nếu người nhập khẩu chưa yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan tại thời điểm nhập khẩu, với điều kiện hàng hóa đó phải đáp ứng các quy định để được hưởng ưu đãi thuế quan khi được nhập khẩu vào lãnh thổ của Nước thành viên đó.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định này, Nước thành viên nhập khẩu có thể đề nghị người nhập khẩu: Thực hiện yêu cầu cho hưởng ưu đãi thuế quan; cung cấp chứng từ chứng minh hàng hóa có xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu; cung cấp 01 bản sao Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; và cung cấp chứng từ khác liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa theo yêu cầu của Nước thành viên nhập khẩu; không muộn hơn 01 năm sau ngày nhập khẩu hoặc lâu hơn theo quy định pháp luật của Nước thành viên nhập khẩu.

Mỗi Nước thành viên phải bảo đảm tính bảo mật của các thông tin thu thập theo quy định liên quan đến Quy tắc xuất xứ hàng hóa và phải bảo mật thông tin, không được phép tiết lộ để tránh gây tổn hại đến vị thế cạnh tranh của bên cung cấp thông tin.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/de-xuat-nguoi-nhap-khau-duoc-huong-uu-dai-thue-quan-dua-tren-chung-tu-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa-58090.htm