Đề xuất nâng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng phí BHXH tự nguyên cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và nhiều đối tượng khác.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH tự nguyện ngày càng hấp dẫn, gần dân

BHXH tự nguyện được triển khai từ năm 2008, hướng tới mọi công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để sau này họ được hưởng lương hưu, chế độ tử tuất.

Về sau, chính sách này được hoàn thiện, bổ sung một số quy định mới áp dụng từ năm 2016. Chẳng hạn không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện; đa dạng, linh hoạt các phương thức đóng; nới rộng thời điểm đóng; quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện phù hợp hơn.

Nhân viên bảo hiểm xã hội tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu. Ảnh: N.ÁNH

Nhân viên bảo hiểm xã hội tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu. Ảnh: N.ÁNH

Đặc biệt, từ ngày 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng và mức hỗ trợ theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ 30 %, hộ cận nghèo 25% và 10% đối với các đối tượng khác tham gia BHXH tự nguyện.

Theo BHXH Việt Nam, với các điều chỉnh ấy, tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện gần đây tăng nhanh: Năm 2018 có 277 ngàn người tham gia, tăng 23,6% so với năm 2017, sang 2019 là 574 ngàn người tham gia, tăng vọt107% so với năm 2018…

Cần hỗ trợ người dân mức cao hơn

Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho rằng so với tiềm năng hiện có, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp. Nhất là đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, cuộc sống nhiều bấp bênh thì tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện hai năm qua còn thấp, chưa tới 3% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng có phần từ phía Nhà nước, mức hỗ trợ còn thấp. Cụ thể, người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng.

Thời gian bắt buộc đóng phí BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu còn dài, tới 20 năm trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam. Thu nhập của người dân còn thấp, không ổn định mà phải theo đuổi đóng phí thời gian dài như vậy nên BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn.

Mặt khác, ngoài chế độ tương lai như lương hưu, tử tuất, tâm lý bà con mong có thêm các lựa chọn khác như hỗ trợ lúc ốm đau, sinh con, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... để cân nhắc khi quyết định tham gia BHXH tự nguyện.

Với các lẽ trên, BHXH Việt Nam đề xuất nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Với mức trên, BHXH Việt Nam dự kiến số tiền chi hỗ trợ sẽ tăng dần từng năm, đến năm 2025 dự kiến là 1.167 tỉ đồng và đến năm 2030 là 3.141 tỉ đồng.

“Nếu các chính sách trên được thực thi số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến tăng lên khoảng 3,6 triệu người trong năm 2025 và đến năm 2030 dự kiến là 8,9 triệu người…” - BHXH Việt Nam dự báo.

Mục tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện

Theo Nghị quyết số 28/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%.

Đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5%.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/de-xuat-nang-muc-ho-tro-cho-nguoi-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-933063.html