Đề xuất nâng độ tuổi thanh niên dài hơn, lên 35 hoặc 40

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất việc nghiên cứu nâng độ tuổi thanh niên lên 35 hay 40 tuổi, vì quy định độ tuổi thanh niên 30 tuổi, theo ông, thì quá thấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị nâng độ tuổi thanh niên dài hơn - Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị nâng độ tuổi thanh niên dài hơn - Ảnh: VPQH

Tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thanh niên (sửa đổi), đồng thời bày tỏ kỳ vọng đối với dự án luật này.

Dẫn lời “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, Phó chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật chưa thể hiện được được điều này, thể hiện nghĩa vụ ít nhưng lại đòi hỏi quá nhiều quyền lợi. Nếu như Luật Thanh niên năm 2005, ngay điều 3 quy định “Quyền và nghĩa vụ của thanh niên” thể hiện rất rõ, nhưng dự thảo Luật sửa đổi, điều 3 thay bằng “Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên” thì được coi là một sự đòi hỏi.

Tán thành quan điểm của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng luật này thanh niên đọc, nghiên cứu để thấy được mình phải làm gì cho Tổ quốc, chứ không phải Tổ quốc phải làm gì cho chúng ta. Chủ tịch Quốc hội cho rằng luật phải được thiết kế sao cho thanh niên hiểu được ý nghĩa của luật, thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ và khi thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đó thì thanh niên có những quyền lợi gì cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và cho đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, bên cạnh mục tiêu, nhiệm vụ Kết luận 80 giao thì luật cần tháo gỡ những gì đang kìm hãm sự phát triển của thanh niên, sự đóng góp, sự xung kích của thanh niên, thúc đẩy cái gì để phát huy thanh niên về mọi mặt, tạo điều kiện để thanh niên thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh là tầng lớp đi đầu về sức khỏe, về trí tuệ, vai trò xung kích trên mọi mặt trận.

Ông Định phân tích, trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu, trí tuệ toàn cầu, công dân toàn cầu thì thanh niên cũng toàn cầu nhưng thanh niên của ta còn nhiều hạn chế về kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm, tham gia các hoạt động quốc tế, môi trường lao động quốc tế. Đây là những nội dung mà luật cần hướng tới, đề nghị nghiên cứu cân nhắc thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhắc lại câu của Bác Hồ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Ông Định cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đã là công dân toàn cầu thì thanh niên cũng cần toàn cầu. Do vậy, sửa luật lần này phải làm sao tháo gỡ được khó khăn, bất cập và cả những cái yếu của thanh niên.

Ông Nguyễn Khắc Định cũng đề xuất nghiên cứu nâng độ tuổi thanh niên lên 35 hay 40 tuổi, vì quy định độ tuổi thanh niên 30 tuổi thì quá thấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề phải xem lại định hướng sửa đổi như thế nào. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, hiện nay hệ thống luật phân khúc các đối tượng để quy định.

Nếu như trẻ em là người dưới 16 tuổi và người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên có luật riêng và có chính sách cụ thể bởi đây là những người yếu thế cần phải có chính sách đặc thù, thì đối với nhóm đối tượng từ 16 tuổi đến 30 tuổi quy định theo Luật Thanh niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị phải hết sức cân nhắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích, đối tượng trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi là đối tượng khỏe nhất, nếu quy định cụ thể những chính sách ưu đãi đặc thù vào luật là không hợp lý dẫn đến việc coi đối tượng khỏe nhất lại là đối tượng yếu thế thì không đúng. Do đó, đề nghị có một cách tiếp cận khác theo hướng có chính sách để khuyến khích để thanh niên sáng tạo, phát huy được thế mạnh của mình.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, để luật này làm đúng thì đầu tiên phải xác định đối tượng mình đang xây dựng luật là ai, lúc đó mới có cách tiếp cận, cách ứng xử đúng được.

Ông Dũng nêu đối tượng ở đây là thanh niên trẻ, khỏe, trí tuệ, nhiệt huyết, tương lai đất nước phải dựa vào thanh niên, và Đoàn thanh niên là cánh tay phải của Đảng. Nhưng trong luật dường như chưa xác định đúng về thanh niên, coi thanh niên như là đối tượng yếu thế với các quy định thanh niên cần cái này, cần cái kia, phải ưu tiên cái này, phải ưu tiên này kia.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng phải tiếp cận đối tượng này theo hướng giao trách nhiệm là chính.

“Không phải tạo công ăn việc làm mà chính thanh niên là những người tạo ra công ăn việc làm, trách nhiệm của thanh niên đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội như thế nào? Thanh niên là những người trí tuệ, là những người xông xáo, là người giỏi thì trách nhiệm của họ đối với thiếu niên, nhi đồng là thế nào? Phải giáo dục, làm mẫu, làm gương ra sao?”, ông Dũng nêu.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/de-xuat-nang-do-tuoi-thanh-nien-dai-hon-len-35-hoac-40-121037.html