Đề xuất nâng cấp hai ban thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội ngày 26/5, nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn nâng cấp hai Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội vì 2 Ban này đã khẳng định được vị thế của mình trong suốt gần 20 năm qua.

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Quochoi.vn)

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ để nâng cấp Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Cơ sở pháp lý mà Đại biểu Sơn chỉ ra là theo khoản 6 và khoản 7 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013, định hướng của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về nghiên cứu một số Ban của Thường vụ Quốc hội và lập chức danh Tổng Thư ký, thì khóa XIII đã làm được chức danh Tổng Thư ký.

Còn khóa XIV này, chúng ta cũng gắng nâng tầm các Ban để tiếp tục khẳng định sớm có vị thế ngày nào thì nhân dân và cử tri được hưởng lợi ngày đó. Cho nên, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu cần được quan tâm.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng bổ sung, việc chuyển Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan thuộc Quốc hội đã được Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội góp ý kiến nhiều và nhiều ý kiến đồng thuận.

Đến nay đã chín muồi nên ông đề nghị Quốc hội cần lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội để làm cơ sở trước khi quyết định.

“Thực tế thì Ban Công tác đại biểu vừa qua không chỉ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn của Thường vụ Quốc hội mà còn thực hiện tốt các hướng dẫn, giữ vững mối liên hệ với Thường trực HĐND cấp tỉnh, tổ chức hội nghị, hoạt động của HĐND, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của HĐND và Thường trực HĐND các cấp, coi đây là một chỗ dựa cho hoạt động của lĩnh vực dân cử của mình và đã tạo uy tín, chất lượng cho đại biểu dân cử, nên việc nâng cấp Ban Công tác đại biểu trở thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội là rất quan trọng”, Đại biểu Sơn chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cũng tán thành đề xuất trên. Đại biểu Bình cho biết, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện là hai cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập từ năm 2003. Qua 17 năm hình thành và phát triển đã khẳng định được vai trò, vị thế và trách nhiệm của mình trong hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, vị trí pháp lý của hai cơ quan này chưa được cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Đại biểu Bình cho rằng dự thảo Luật sửa đổi cần cụ thể hóa Kết luận số 64 ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có nội dung chuyển một số ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành ban của Quốc hội và việc lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp.

“Vì vậy, tôi cho rằng việc bổ sung hai cơ quan này là cơ quan do Quốc hội thành lập nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc cho Quốc hội. Theo tôi, thời điểm này là phù hợp”, ông Bình nhấn mạnh.

H.T

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/de-xuat-nang-cap-hai-ban-thanh-co-quan-chuyen-mon-cua-quoc-hoi-519503.html