Đề xuất mới về hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai

Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu là các quy định về quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ phòng, chống thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng và nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ kinh phí.

Trong thực tế khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã cơ bản thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, việc tổng hợp, thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra và báo cáo cấp trên vẫn còn chậm và đôi khi chưa đầy đủ, đảm bảo chính xác.

Từ tình hình trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy trình hỗ trợ kinh phí từ NSTW cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

Đối với hỗ trợ về dân sinh: Căn cứ báo cáo thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và bố trí NSĐP và các nguồn tài chính hợp pháp khác để cứu trợ, hỗ trợ dân sinh (hỗ trợ về lương thực; người bị thương nặng; chi phí mai táng cho hộ gia đình có người chết, mất tích; làm nhà ở, sửa chữa nhà ở) theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Đồng thời, do Nghị định số 136/2013/NĐ-CP đã được triển khai thực hiện trong gần 6 năm, mức hỗ trợ được các địa phương nhận định là thấp so với thực tế hiện nay. Vì vậy, tùy theo điều kiện thực tế và nguồn lực của địa phương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép hỗ trợ thêm về dân sinh nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 2 lần mức quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP (phần hỗ trợ tăng thêm này do NSĐP đảm bảo và huy động từ các nguồn như Quỹ phòng chống thiên tai, nguồn huy động, đóng góp tự nguyện).

Theo quy định của Quyết định 01 hiện nay, kinh phí hỗ trợ cho các địa phương được xác định dựa trên nguyên tắc chung là “chỉ xem xét hỗ trợ đối với những địa phương có mức thiệt hại lớn vượt quá khả năng cân đối NSĐP” và căn cứ vào một số tiêu chí như mức độ thiệt hại, khả năng của NSTW, nguồn lực của địa phương. Đồng thời, tỷ lệ hỗ trợ của các địa phương chưa được quy định cụ thể dẫn đến mức hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa thực sự bám sát nguyên tắc chung. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi theo hướng xây dựng cơ chế hỗ trợ thống nhất, tương tự với cơ chế hỗ trợ từ NSTW cho NSĐP tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh:

Căn cứ tình hình thiệt hại, báo cáo nhu cầu kinh phí hỗ trợ của các địa phương, nguồn lực của địa phương, dự phòng NSTW còn lại, mức hỗ trợ cho các địa phương thực hiện như sau:

Các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn và các tỉnh Tây Nguyên hỗ trợ tối đa 80% phần hỗ trợ từ NSNN; các tỉnh, thành phố nhận bổ sung cân đối từ NSTW, NSTW hỗ trợ tối đa 70% phần hỗ trợ từ NSNN;

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về NSTW dưới 50%, NSTW hỗ trợ tối đa 50% phần hỗ trợ từ NSNN;

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về NSTW từ 50% trở lên, chủ động sử dụng NSĐP và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện.

Mức hỗ trợ nêu trên là mức hỗ trợ tối đa, trường hợp thiên tai xảy ra trên diện rộng hoặc xảy ra nhiều đợt trong năm, nhu cầu hỗ trợ lớn, vượt quá khả năng dự phòng NSTW thì Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức hỗ trợ theo khả năng cân đối của NSTW.

T.Quang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-moi-ve-ho-tro-dia-phuong-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-151068.html