Đề xuất mở rộng, nâng cấp sân bay Đà Nẵng

Ngày 16-11, UBND thành phố có tờ trình đề xuất Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, mở rộng, nâng cấp sân bay đạt công suất 25-30 triệu hành khách/năm, đáp ứng khai thác các loại máy bay dân dụng và quân sự hiện đại; mở rộng nhà ga T1 về phía đông nam, xây mới nhà ga T3 quốc nội với công suất 15 triệu hành khách/năm.

Một góc ga đến quốc nội sân bay Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Nguy cơ quá tải

Theo Sở Giao thông vận tải, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng được duyệt tại Quyết định số 3066/QÐ-BGTVT ngày 26-8-2015 của Bộ Giao thông vận tại. Giai đoạn đến năm 2020, cảng được mở rộng đạt công suất 13 triệu hành khách/năm. Trong những năm qua, Cảng HKQT Đà Nẵng được tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ bao gồm: sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, giao thông đối ngoại... để nâng cao chất lượng dịch vụ khai thác.

Tuy nhiên, với mức độ tăng trưởng liên tục trong thời kỳ 2010-2019, cảng quá tải và chất lượng dịch vụ khai thác giảm. Giai đoạn 2012-2019, hành khách qua cảng tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm; khách quốc tế từ chỗ năm 2012 chỉ có 225.493 hành khách, đến năm 2019 đã đạt 7.146.527 hành khách, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế bình quân giai đoạn 2012-2018 hơn 71,7%. Hiện nay, sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua Cảng HKQT Đà Nẵng đã vượt mức dự báo và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh...

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ và đối với khu vực miền Trung nói chung, thì cần quy hoạch, điều chỉnh lại Cảng HKQT Đà Nẵng thời kỳ năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, quy hoạch xác định các chỉ tiêu phát triển: nâng công suất của cảng đạt 25-30 triệu hành khách/năm, đáp ứng khai thác các loại máy bay dân dụng và quân sự hiện đại theo nhu cầu phát triển; bảo đảm tối ưu hóa diện tích, hiện đại, bền vững; phù hợp với tình hình khai thác hiện tại, phù hợp với quy hoạch chung của ngành hàng không; tuân thủ theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành; đáp ứng được nhu cầu dự báo trong tương lai.

Một góc sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Hướng đến lộ trình đón 30 triệu hành khách/năm

Với vai trò và vị trí quan trọng trong khu vực, Cảng HKQT Đà Nẵng đặt mục tiêu quy hoạch đầu tư phát triển một số dự án quan trọng theo hướng mở rộng, nâng cấp sân bay đạt công suất 25-30 triệu hành khách/năm; trong đó mở rộng nhà ga T1 về phía đông nam, đầu tư xây dựng mới nhà ga T3 quốc nội với công suất 15 triệu hành khách/năm vào năm 2030...

Việc mở rộng nhằm mục tiêu đến năm 2030, Cảng HKQT Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những cảng HKQT lớn của Việt Nam, một trong những sân bay và điểm đến hấp dẫn của khu vực châu Á. Trong quá trình tham vấn lập dự thảo quy hoạch điểu chỉnh Cảng HKQT Đà Nẵng, kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, khẳng định việc mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng là rất cần thiết trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không cũng như lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến thành phố.

Theo phương án quy hoạch điều chỉnh Cảng HKQT Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Cảng HKQT Đà Nẵng là sân bay cấp 4E theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO và sân bay quân sự cấp 1. Sản lượng vận chuyển hành khách đạt 25 triệu hành khách/năm đến năm 2030, đạt 30 triệu hành khách/năm đến năm 2050.

Sản lượng vận chuyển hàng hóa 200.000 tấn/năm, có 92 vị trí sân đỗ máy bay, khai thác được các loại tàu bay code E trở xuống như B747, B777, B787, A320, A321, A350 và tương đương. Dự bị cho tàu bay code F (B747-8), máy bay quân sự cấp 1. Để đáp ứng mục tiêu trên, Cảng HKQT Đà Nẵng cần xây dựng mới đường cất hạ cánh 35L/17R kích thước 3.190mx45m; đồng thời mở rộng thêm các vị trí sân đỗ tàu bay.

Xây mới nhà ga quốc nội T3 đạt công suất 15 triệu hành khách/năm, cải tạo nhà ga quốc nội T1 kết hợp nhà ga T2 khai thác quốc tế. Xây dựng nhà ga hàng hóa phía đông và xây mới ga hàng hóa phía tây kết hợp khu logistics hàng không. Việc huy động vốn đầu tư được phân kỳ thành ba giai đoạn với tổng nhu cầu vốn khoảng 31.000 tỷ đồng.

Hiện có 12 đường bay quốc tế trực tiếp từ Hàn Quốc, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, Siêm Riệp (Campuchia), New Delhi và Mumbai (Ấn Độ)… đến sân bay quốc tế Đà Nẵng; có 8 đường bay nội địa đi và đến Đà Nẵng là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Hải Phòng, Cần Thơ được khai thác bởi các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Viettravel Airlines.

THÀNH LÂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5404/202212/de-xuat-mo-rong-nang-cap-san-bay-da-nang-3933142/