Đề xuất miễn, giảm học phí cho sinh viên vì dịch Covid-19

Bộ LĐTB&XH đề xuất với Chính phủ tạo điều kiện miễn, giảm 100% học phí với học sinh trường nghề sống trong hộ gia đình có người nhiễm Covid-19.

Bộ LĐTB&XH vừa có báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo báo cáo, đến ngày 16/3, Sở LĐTBXH thuộc các tỉnh, thành phố đã có chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trước tình hình tác động sâu rộng của Covid-19 đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp.

Đối với người học, Bộ đề xuất việc miễn, giảm 100% học phí đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình có người bị nhiễm dịch Covid-19. Toàn bộ học sinh, sinh viên còn lại được giảm 15-20% học phí trong năm 2020.

Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ đề xuất miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019, miễn các khoản thuế phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất việc miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Bộ LĐTB&XH đề xuất miễn giảm 15-20% học phí cho học sinh trường nghề do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh minh họa.

Bộ LĐTB&XH đề xuất miễn giảm 15-20% học phí cho học sinh trường nghề do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh minh họa.

Hiện, phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến đầu tháng 4/2020. Bộ LĐTB&XH nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến các hoạt động của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

"Việc tuyển sinh đang gặp khó khăn do hầu hết hoạt động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp là hoạt động tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp tại các địa phương, các trường phổ thông, nhưng đã không thực hiện được thời gian qua", báo cáo của Bộ cho biết.

Như vậy, việc tuyển sinh khó đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra và ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân luồng của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc nghỉ học kéo dài dẫn tới tình trạng tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm sẽ bị ảnh hưởng.

Dù học sinh, sinh viên không đến trường, lớp nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn phải duy trì hệ thống và các chi phí vận hành, chi phí thuê mặt bằng, trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ, giảng viên, giáo viên.

Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập không cân đối được thu, chi. Các khoản vay ngân hàng đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp không được trả đúng hạn và nguy cơ phá sản cao.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, trong đó, có đội ngũ giáo viên, giảng viên và người lao động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, tình hình nghỉ học kéo dài đã làm xuất hiện hiện tượng học sinh, sinh viên đợi chờ lâu, bỏ học đi làm việc để kiếm sống.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/de-xuat-mien-giam-hoc-phi-cho-sinh-vien-vi-dich-covid-19-post1064001.html