Đề xuất lập tổ hợp tín dụng 300.000 tỷ phát triển kinh tế số

Cộng đồng chuyên gia, trí thức kiều bào đóng góp nhiều ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế đất nước.

Sáng 30/10, nhiều chuyên gia, trí thức và doanh nhân kiều bào tham gia Hội nghị "Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam". Hội nghị do Bộ Ngoại giao Việt Nam và UBND TP.HCM đồng chủ trì.

Tận dụng kiều hối để phát triển CNTT

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi cho biết trong năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng đóng góp cho sự phát triển đất nước.

"Trong thời điểm dịch Covid-19, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp nhiều chục tỷ đồng, trong đó có 34 tỷ được đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong nước. Hiện nay, họ lại tiếp tục đóng góp, giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai, lũ lụt", Thứ trưởng Đặng Minh Khôi nhấn mạnh.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Bùi.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Bùi.

Có mặt tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ trong thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới với điểm nhấn là tăng cường hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xúc tiến du lịch nội địa và tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, TP đẩy mạnh phát triển kinh tế số và xem đây là cơ hội trong thách thức, góp phần chống dịch thành công và hạn chế tác động của suy thoái kinh tế, tạo sự bứt phá trong phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cuộc chiến phòng chống dịch đã tác động nặng nề đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là dịch vụ hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu, lưu trú, ăn uống, giáo dục lao động việc làm... Riêng tại TP.HCM, lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng dưới 1,2%, với hơn 29.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký giảm hơn 149.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong hy vọng với hội nghị này, cộng đồng chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào có nhiều đóng góp về chính sách và giải pháp cho thành phố. Đồng thời, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm kêu gọi doanh nhân kiều bào đầu tư nhiều hơn nữa vào thành phố. Hiện nay mới chỉ có 564 dự án của kiều bào với tổng số vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh sẽ tận dụng nguồn kiều hối hàng năm về TP.HCM khoảng 5 tỷ USD để phát triển kinh tế thành phố, đặc biệt là hơn 44.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT bởi họ là hạt nhân trong việc thực hiện chuyển đổi số.

“Thành phố mong rằng thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được ý kiến tư vấn của các trí thức, doanh nhân kiều bào, tạo động lực mới cho giai đoạn phát triển sắp tới của thành phố, đưa TP.HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

Phát triển kinh tế số là ưu tiên quốc gia

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh Việt Nam cần cho phép thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới tại Việt Nam, như: thanh toán điện tử, đô thị thông minh,…

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối vạn vật cũng cần được thực hiện, tiếp tục xây dựng mạng viễn thông băng rộng, từng bước hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G.

TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, một kiều bào Mỹ, chi phí cho chuyển đổi số là rất lớn. Nếu chỉ chuyển đổi số tại một số khâu như quản lý, tài chính hay quy trình sản xuất thì số vốn bỏ ra không nhiều, có thể chỉ vài chục nghìn USD. Nhưng nếu toàn bộ sự vận hành của một doanh nghiệp được chuyển đổi số thì chi phí có thể lên đến hàng triệu USD. Chính vì thế nếu không có một giải pháp tài chính để hỗ trợ thì quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị lùi lại.

Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khi các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp bởi tình hình dịch bệnh, thì ngành ngân hàng nổi lên như là một lĩnh vực kinh doanh tương đối khả quan, tính thanh khoản tốt và lợi nhuận cao.

Vị chuyên gia đề xuất Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch chỉ đạo ngân hàng thành lập một Tổ hợp tín dụng (Loan Syndication) với mục đích cung cấp nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Tất cả ngân hàng đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỷ lệ tham gia tương đương 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay là 8,7 triệu tỷ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3-3,5% hệ thống ngân hàng sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, cũng tương tự gói 300.000 tỷ đồng các ngân hàng đã triển khai trước đó.

Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc ban Kinh doanh Chiến lược Tập đoàn FPT, việc đẩy nhanh các sáng kiến kỹ thuật số giúp thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hậu Covid-19, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

"Việt Nam là có một Chính phủ kiến tạo và vai trò địa chính trị quan trọng trong khu vực, cơ hội cho Việt Nam trong quá trình biến đổi này rất lớn", ông Sơn đánh giá.

Hà Bùi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/de-xuat-lap-to-hop-tin-dung-300000-ty-phat-trien-kinh-te-so-post1147768.html