Đề xuất lập Hội đồng giám sát quyền lực của Trưởng đặc khu

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất lập Hội đồng gồm các chuyên gia để giám sát, khuyến nghị với Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). Việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận.

Hiện Chính phủ trình hai phương án. Phương án 1 là không tổ chức HĐND và UBND mà thực hiện thiết chế Trưởng đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này.

Phương án 2 là vẫn tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND và UBND.

Nhìn chung, nhiều ý kiến phát biểu tại Hội trường đều thiên về phương án 1 và cho rằng phương án này thể hiện được tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới. Tuy nhiên, loại ý kiến này đề nghị cân nhắc thêm để làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng Đơn vị HCKTĐB bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Phải đảm bảo nguyên tắc giám sát quyền lực

Giơ biển tranh luận, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) bày tỏ ủng hộ quan điểm tổ chức mô hình chính quyền đảm bảo hiệu lực hiệu quả nhưng không bỏ qua nguyên tắc kiểm soát quyền lực.

“Tôi không đồng tình cả hai phương án, vì một phương án bỏ qua nguyên tắc giám sát, một phương án thì quay lại tổ chức mô hình có HĐND như truyền thống” – ông Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm và đề nghị có Hội đồng đặc khu với hai cách tổ chức.

Theo đó, Hội đồng được tổ chức thuần túy gồm các chuyên gia trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, quốc phòng... do UBTVQH bổ nhiệm, tham gia vào Hội đồng thực hiện chức năng giám sát, khuyến nghị.

Cách thứ hai, trong Hội đồng có cả thành viên là các chuyên gia và một bộ phận do dân bầu để kết hợp cả giám sát và khuyến nghị với Trưởng Đơn vị HCKTĐB khi người này có nhiều thẩm quyền, có thể quyết định được rất nhiều vấn đề rất quan trọng.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, hiện trên thế giới có 3 thế hệ đặc khu: thời kỳ sơ khai, hiện đại và thời kỳ tiên tiến hiện nay. Hiện có Mỹ, Đức, Trung Quốc đang triển khai mô hình đặc khu thế hệ thứ 3 chủ yếu tập trung vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó dự thảo luật đang đi theo thế hệ thứ 2, đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc.

Nhấn mạnh cần tập trung vào cơ chế chính sách, ông Lê Thanh Vân cho rằng, qua thực tiễn tổ chức mô hình của các nước cho thấy ưu đãi, đặc biệt là về thuế không phải vượt trội mà chính là môi trường, thủ tục đầu tư.

“Tôi nhấn mạnh là phải chú ý mặt trái của các mô hình, kể cả các mô hình thành công, trong đó có mấy yếu tố: phát triển thiếu cân đối, đầu cơ đất đai có nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, lao động giá rẻ bị bóc lột, bất công xã hội, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và hàng loạt vấn đề khác” – Đại biểu Lê Thanh Vân nói./.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện trên thế giới có rất nhiều mô hình: Đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do, thành phố tự do, được điều chỉnh bởi luật chung và luật riêng.

“Với nước ta, đây là mô hình mới nên làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phù hợp với nguồn ngân sách có hạn. Sau đó sẽ tổng kết, đánh giá, có thể nhân rộng thể chế chính sách, mô hình quản lý mới cho các khu khác có đủ điều kiện”, Bộ trưởng nói rõ.

Sau khi chủ trương được thông qua sẽ có 3 NQ riêng cho 3 đặc khu. So với các mô hình kinh tế tự do tại Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Myanmar... xét theo 9 tiêu chí, dự luật có tính ưu đãi ngang bằng hoặc thuận lợi hơn, trừ thuế.

Về ý kiến lo lắng thời gian thuê đất quá dài lên đến 99 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rõ, theo Luật Đất đai hiện nay, thời gian sử dụng đất sản xuất tối đa trong khu kinh tế là 70 năm, dự thảo luật này là 99 nhưng chỉ áp dụng với số ngành nghề ưu tiên và phải được Thủ tướng quyết định./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/de-xuat-lap-hoi-dong-giam-sat-quyen-luc-cua-truong-dac-khu-698819.vov