Đề xuất làm đường sắt vượt sông Hồng

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam mới đây đề xuất, đầu tư xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng do cầu Long Biên yếu.

Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, hiện nay, hàng hóa từ tuyến phía Đông đi tuyến phía Nam (Hà Nội - TPHCM) phải đi đường vòng vành đai phía Tây (cầu Thăng Long). Theo đó, hành trình vận chuyển từ Gia Lâm - Yên Viên - Đông Anh - Bắc Hồng - cầu Thăng Long - Hà Đông - Văn Điển và về ga lập tàu là Giáp Bát. Quãng đường đi vòng này khiến hành trình các đoàn tàu phải kéo dài thêm 60 km.

Đề xuất làm cầu đường sắt vượt sông Hồng. Ảnh minh họa

Đề xuất làm cầu đường sắt vượt sông Hồng. Ảnh minh họa

Hàng hóa từ tuyến phía Nam ngược ra cũng phải đi theo tuyến đường sắt vành đai phía Tây để lên các tuyến biên giới. Vì vậy, nếu đoàn tàu đi từ Hà Nội tới Lào Cai sẽ xa thêm 40 km, còn đi Hà Nội - Lạng Sơn xa thêm 50 km.

Ông Quốc Anh nói rằng, việc đi vòng khiến chi phí đội lên rất nhiều, do đó, cần thiết phải xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng để kết nối các tuyến đường.

Theo ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Cục Đường sắt VN, cầu đường sắt vượt sông Hồng là yêu cầu được đặt ra từ lâu.

Các quy hoạch trước đây đều xác định, khi Hà Nội hoàn thành xây mới nhiều cầu đường bộ vượt sông Hồng, sẽ không tổ chức vận tải đường bộ qua cầu Long Biên nữa.

Ông Thịnh cũng cho biết, theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đang trình Bộ GTVT, khi không sử dụng cầu Long Biên để kết nối đường sắt quốc gia, sẽ xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng, trong đó có đoạn từ Ngọc Hồi (tuyến phía Nam) đến Lạc Đạo (tuyến phía Đông).

Kết nối giữa hai ga này sẽ có cầu đường sắt gần vị trí cầu Thanh Trì. Khi hoàn thành tuyến vành đai phía Đông sẽ thay thế toàn bộ đoạn tuyến qua cầu Long Biên hiện có.

“Dự thảo quy hoạch đang đề xuất ưu tiên bố trí vốn để đầu tư xây dựng tuyến vành đai phía Đông này trong giai đoạn 2021 - 2030, với nhu cầu vốn khoảng 8.100 tỷ đồng. Sau khi quy hoạch mạng lưới và đề xuất này được phê duyệt, đến giai đoạn lập quy hoạch chi tiết mới xác định chi tiết vị trí cầu đường sắt mới và lập dự án đầu tư”, ông Thịnh cho hay.

Đề xuất làm đường sắt vượt sông Hồng từng được nhắc tới nhiều năm trước, tuy nhiên, thời điểm đó các vấn đề tranh cãi còn liên quan nhiều tới vị trí xây dựng cầu chưa được thống nhất.

Sau đó, UBND TP Hà Nội đã trình Chính Phủ phương án đặt vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) cách cầu Long Biên về phía thượng lưu 75m.

An An(tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/su-kien/de-xuat-lam-duong-sat-vuot-song-hong-3433607/