Đề xuất làm cầu vượt biển Cần Giờ

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa đề xuất làm cầu vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu phục vụ nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế xã hội tổng hợp, trong đó có du lịch.

 Cần Giờ sẽ được "thay da đổi thịt" trong dự án Khu đô thị du lịch lấn biển đã được UBND TPHCM phê duyệt. Ảnh: ST

Cần Giờ sẽ được "thay da đổi thịt" trong dự án Khu đô thị du lịch lấn biển đã được UBND TPHCM phê duyệt. Ảnh: ST

Trong văn bản góp ý kiến Báo cáo rà soát, đánh giá đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2060, HoREA đã nêu đề xuất làm cầu vượt biển Cần Giờ "Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy hoạch cầu vượt biển Cần Giờ, nối Cần Giờ với TP Vũng Tàu, bổ sung vào quy hoạch đường ven biển phía Đông từ TPHCM đến tỉnh Kiên Giang, đồng thời cũng là điểm nhấn kiến trúc và là cầu cảnh quan, phục vụ du lịch".

Huyện Cần Giờ thuộc TPHCM, vừa có rừng ngập mặn, có sông, có biển. Ảnh: Đ.T.H

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết, nhà nước đã quyết định xây dựng con đường phía Đông bắt đầu từ Móng Cái, Quảng Ninh, chạy ven biển và có nhiều đoạn song song với quốc lộ 1A, có những đoạn trùng với quốc lộ 1A và tuyến đường này sẽ kéo dài tới Hà Tiên, Kiên Giang. Cây cầu vượt biển Cần Giờ là gạch nối giúp hoàn thiện tuyến đường ven biển này.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, tuyến đường ven biển hiện nay tại khu vực tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nền đường. Tuyến đường này hiện chưa đạt được quy mô như quy hoạch nhưng khá thuận lợi. Tuy nhiên, tuyến đường đến Vũng Tàu thì kết thúc và muốn di chuyển phải đi vòng qua quốc lộ 51, qua cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây rồi mới đi tiếp ra quốc lộ 1A.

Hiện tại, đang có tuyến đường bắt đầu từ quốc lộ 50 từ TPHCM đi qua Long An, địa phận Cần Giuộc, Cần Đước và có cầu Mỹ Lợi để đi qua huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, sau đó cũng từ quốc lộ 50 qua cầu Rạch Miễu để đến Bến Tre.

Ông Châu cũng cho biết, HoREA có ý tưởng trùng với lãnh đạo tỉnh Bến Tre, khi đề nghị phát triển tuyến đường ven biển phía Đông để kết nối với cầu Mỹ Lợi, qua khu vực sông Tiền ở phía gần cửa biển, huyện Bình Đại, Bến Tre, rồi qua sông Hàm Luông, tiếp đến sông Cổ Chiên để kết nối với cầu Cổ Chiên qua Trà Vinh.

Hiện nay, Cần Giờ đã có đường Rừng Sác nhưng đây là tuyến đường không được mở rộng nữa để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới. "1 tập đoàn có đề nghị làm con đường trên cao của đường Rừng Sác, là con đường gần giống như cao tốc. Con đường này sẽ kết nối cầu Cần Giờ, nối huyện Cần Giờ với Nhà Bè, rồi từ đó nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây", ông Châu đưa ý kiến.

Mới đây, UBND TPHCM vừa ban hành 4 quyết định duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ. Sau khi được Chính phủ đồng ý điều chỉnh diện tích Khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ 600ha lên 2.870ha, TP HCM đang triển khai nhiều đầu việc để thực hiện dự án này.

Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 20km, Cần Giờ là huyện duy nhất của Thành phố giáp biển với 23km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú phát triển các loại hình du lịch sinh thái biển, rừng, sông...

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-lam-cau-vuot-bien-can-gio-20210224200728048.htm