Đề xuất Kiểm định khí thải xe máy định kỳ: Vẫn chưa rõ mục đích

Các chuyên gia cho rằng, kiểm soát khí thải xe máy là cần thiết nhưng đề nghị Bộ GTVT phải làm rõ mục đích, mục tiêu của đề xuất kiểm định khí thải định kỳ đối với xe máy.

Kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe máy cần có lộ trình khoa học, cụ thể. Ảnh: Hòa Thắng

Kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe máy cần có lộ trình khoa học, cụ thể. Ảnh: Hòa Thắng

Đề xuất kiểm định khí thải định kỳ đối với xe máy được Bộ GTVT đưa ra trong Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Đây cũng là một trong những nội dung gây ra nhiều tranh cãi trong bản dự thảo luật này.

Công tác bảo dưỡng xe máy đang bị lãng quên

Theo đó, xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải, khí thải đồng thời cơ quan đăng kiểm chịu trách nhiệm kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy; lộ trình kiểm tra do Chính phủ quy định. Lý giải cho đề xuất này, đại diện Vụ ATGT - Bộ GTVT khẳng định đây là việc làm cần thiết và việc kiểm tra khí thải xe máy không chỉ nhằm kiểm soát chất lượng không khí mà còn cả chất lượng phương tiện. Trong khi đó, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu quan điểm, công tác bảo dưỡng xe máy đang hoạt động không được các chủ phương tiện quan tâm đúng mức. Điều này khiến phương tiện nhanh xuống cấp và ảnh hưởng chất lượng không khí.

Theo Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Trần Khanh, ngoài trung tâm đăng kiểm, các cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa xe có thể tham gia vào việc kiểm định khí thải xe máy theo hình thức xã hội hóa đầu tư. Cơ quan Nhà nước sẽ giám sát hoạt động của cơ sở kiểm định, cấp chứng nhận khí thải. Điều này đồng nghĩa với việc, những quan ngại về việc thiếu thốn điều kiện hạ tầng để thực hiện kiểm định khí thải định kỳ đối với xe máy sẽ được giải quyết. Đương nhiên, đây mới chỉ dừng lại ở ý tưởng và cần có lộ trình để thực hiện.

“Thời gian kiểm tra mỗi xe máy chỉ 2 - 3 phút, nếu phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải thì chủ xe sẽ phải khắc phục, kiểm tra lại để được cấp giấy chứng nhận. Chu kỳ kiểm tra xe máy được một số nước đang áp dụng là 1 năm” - ông Đặng Trần Khanh khẳng định. Lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới cho biết thêm, ban đầu cơ quan chức năng có thể tập trung các loại xe cũ nát tuổi thọ trên 10 năm hoặc kiểm soát trước với xe máy 175cc trở lên vì số lượng ít. Riêng xe mới sử dụng được vài năm chưa cần thiết kiểm tra.

Vì mục đích gì?

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhận định, kiểm soát khí thải xe máy để giảm ô nhiễm môi trường đương nhiên là việc làm cần thiết nhưng đối với đề xuất của Bộ GTVT trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi thì để hiện thực hóa trước tiên phải làm rõ mục đích của việc kiểm định xe máy định kỳ là gì. “Trong trường hợp này anh (tức Bộ GTVT - PV) phải làm rõ đề xuất kiểm soát khí thải xe máy định kỳ là nhằm mục đích gì? Để hạn chế ô nhiễm môi trường hay thế nào thì phải làm rõ ra. Còn nếu anh đề ra việc này chỉ nhằm để thu phí thì lại là vấn đề khác” - PGS. TS Bùi Thị An nói.

Nguyên Đại biểu Quốc hội cho biết thêm, việc kiểm định khí thải đối với xe máy đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, đối với nước ta, đầu tiên phải làm rõ đầu mối của việc thu tiền kiểm định khí thải thì nên để cho đơn vị khác. Tức là phải tách riêng, một bên chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát khí thải, còn một bên khác chịu trách nhiệm thu tiền. “Theo tôi nên tách biệt như thế, đây là mô hình mà nhiều nước đã thực hiện” - PGS.TS Bùi Thị An nói.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội lại đánh giá không cao tính khả thi của đề xuất kiểm định khí thải định kỳ đối với xe máy. “Số lượng xe máy ở nước ra hiện rất lớn nên khó mà thực hiện kiểm định khí thải định kỳ được. Thậm chí công tác này thực hiện đối với ô tô hiện còn gặp nhiều khó khăn chứ đừng nói đến xe máy” - ông Bùi Danh Liên nói và cho rằng, ngoài số lượng lớn, công tác kiểm soát xe máy phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với ô tô. Chẳng cần nói đâu xa, nguyên câu chuyện xe chính chủ đã được triển khai từ nhiều năm về trước nhưng đến nay tình trạng sử dụng xe không chính chủ vẫn rất phổ biến ở nước ta. Ngoài ra, ở các khu vực vùng núi, vùng sâu vùng xa, kiểm soát khí thải xe máy chắc chắn sẽ rất khó thực hiện vì thiếu thốn hạ tầng, điều kiện cơ sở vật chất.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương kiểm soát khí thải phương tiện để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ chủ trương đến ý tưởng và việc thực hiện là những quãng đường dài cần phải có lộ trình thực hiện. Tôi cho rằng đề xuất kiểm định khí thải xe máy định kỳ chỉ nên dừng ở ý tưởng, muốn thực hiện phải xây dựng được một phương án khoa học cụ thể chứ đừng theo kiểu thấy thì nói và đưa vào luật mà chưa xác định rõ các triển khai nó sẽ như thế nào” - chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên khẳng định.

Trước khi áp dụng thực tế cần tổ chức các cuộc khảo sát, đánh giá mức ảnh hưởng đến người lao động nghèo, từ đó sẽ có các phương án hiệu quả. Ngoài ra, khâu đoạn kiểm định, kiểm tra khí thải của xe máy nên xã hội hóa với mức chi phí vừa phải. Chẳng hạn, có thể giao việc kiểm tra cho các tiệm sửa xe. Nếu 1 năm kiểm định, kiểm tra khí thải của xe máy chỉ phải chi trả dưới 100.000 đồng, chia ra từng tháng thì số tiền bỏ ra không lớn, mang lại lợi ích cho môi trường, mọi người sẽ sẵn sàng chung tay, ủng hộ.

Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, TS Hoàng Dương Tùng

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-xuat-kiem-dinh-khi-thai-xe-may-dinh-ky-van-chua-ro-muc-dich-387087.html