Đề xuất không ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới

Sáng nay (24/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này.

Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án về chế độ hợp đồng. Ảnh minh họa/internet

Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án về chế độ hợp đồng. Ảnh minh họa/internet

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới. Tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án. Cụ thể:

Phương án 1: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Phương án 2: Viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về chế độ hợp đồng đối với viên chức được tuyển dụng mới là nội dung rất quan trọng, đối với từng phương án đều có những ưu điểm và hạn chế riêng.

Tuy nhiên, để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” và thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương , kết luận của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho lựa chọn Phương án 1 và thể hiện như trong dự thảo Luật.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/de-xuat-khong-ky-hop-dong-khong-xac-dinh-thoi-han-doi-voi-vien-chuc-tuyen-dung-moi-4042264-v.html