Để xuất khẩu gỗ phải tuân thủ cơ chế quản lý rừng

Cao ủy EU về môi trường, Karmenu Vella trao đổi với TBKTSG Online sau khi đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc đối với Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (FLEGT VPA) cuối tuần trước. Cơ chế này sẽ giúp cải thiện việc quản trị rừng, xử lý nạn khai thác gỗ trái phép và thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp đã được chứng nhận giữa Việt Nam và EU.

Sắp tới, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang châu Âu phải là gỗ từ nguồn hợp pháp và được khai thác bền vững. Ảnh TL

TBKTSG Online: Hiệp định VPA, khi có hiệu lực, sẽ yêu cầu công ty xuất khẩu đồ gỗ phải có thêm trách nhiệm gì khi xuất hàng sang EU. Các cam kết đó có đi ngược lại việc thuận lợi hóa thương mại mà EU lâu nay vẫn nói là ủng hộ?

Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) là một hiệp định thương mại có sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa Liên minh châu Âu (EU) và một nước sản xuất gỗ bên ngoài EU.

Mục đích của VPA là nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU có nguồn gốc hợp pháp. Các hiệp định này cũng giúp các quốc gia xuất khẩu gỗ ngăn chặn việc khai thác gỗ trái phép thông qua việc cải thiện các quy định và năng lực quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Sáu nước (Indonesia, Ghana, Cameroon, Liberia, Cộng hòa Công-gô và Cộng hòa Trung Phi) đã ký một VPA với EU và hiện đang phát triển các hệ thống cần thiết dành cho việc kiểm soát, chứng thực và cấp phép đối với gỗ hợp pháp. Những nước này được coi như là "các nước đối tác VPA". Chín quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, Lào, Thái Lan và Malaysia hiện đang trong quá trình đàm phán với EU. Mười một nước khác tại châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ đã thể hiện sự quan tâm ký kết các VPA tương tự.

Ông Karmenu Vella. Ảnh: TG.

- Ông KARMENU VELLA: Có thể có một số yêu cầu về mặt hành chính. Triển khai hiệp định này mang lại lợi ích cho nhà xuất khẩu. Ví dụ, khi họ được yêu cầu khai báo về nguồn gốc gỗ họ nhập khẩu, cũng như gỗ thành phẩm xuất khẩu sang châu Âu phải là gỗ từ nguồn hợp pháp và được khai thác bền vững. Đáp ứng tiêu chuẩn này mang lại cơ hội cho các nhà xuất khẩu khi tiếp cận thị trường EU. Họ phải cân đối, một là đáp ứng yêu cầu về giấy tờ đó, và được tạo thuận lợi xuất khẩu sang EU. Hai là họ bị EU đóng cửa thị trường với những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Hiệp định này tạo ra nghĩa vụ để các công ty xuất khẩu gỗ tuân thủ, các quy định đảm bảo tính pháp lý. Trách nhiệm tùy thuộc vào các doanh nghiệp xuất khẩu. Chính phủ Việt Nam cũng phải có vai trò kiểm soát ở đây sao cho gánh nặng này phải được chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp khi họ đang có nỗ lực sao cho yêu cầu về giấy tờ, hành chính phải giảm thiểu bớt. Ví dụ họ nhập khẩu gỗ từ các quốc gia có mức độ rủi ro cao thì chúng tôi cũng đưa những yếu tố rủi ro này vào trong các quy định về giấy tờ. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp tự khai báo. Đó là quy trình tự động, giúp giảm thiểu thời gian nếu họ có thông tin về nguồn gốc nhập khẩu gỗ. Với những nguồn có rủi ro cao, thì thông tin như về doanh nghiệp họ hợp tác có vấn đề trong quá khứ về không trả thuế, hay nguồn gốc gỗ không hợp pháp, thì sẽ gây ảnh hưởng. Doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam phải cân nhắc.

Về góc độ thương mai, hiệp định cũng giúp thúc đẩy thương mại giữa EU và Việt Nam. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu đạt được giấy phép FLEGT thì họ sẽ tự động vượt qua các quy định, quy chế về gỗ của EU. Điều này giúp cải thiện hình ảnh gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.

TBKTSG Online: Thế nào là gỗ hợp pháp, thưa ông?

- Gỗ hợp pháp phù hợp với luật về môi trường, xã hội của quốc gia. Bên cạnh dó, EU sẽ xem xét gỗ khai thác có vi phạm luật của EU, của Việt Nam hay không. Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ một quốc gia có rủi ro cao, thì sẽ bị xem xét nghiêm ngặt về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu.

TBKTSG Online: Trong trường hợp các doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn của hiệp định, thì điều gì sẽ xảy ra? Chúng tôi có bị trừng phạt?

- Tôi có thể trả lời luôn, là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị mất thị trường nếu không tuân thủ, không có được giấy phép xuất khẩu. Chúng tôi áp dụng điều này cho tất cả quốc gia xuất khẩu gỗ vào EU chứ không chỉ mình Việt Nam. Chúng tôi quan tâm đến từng khâu trong chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang EU. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý khi đưa hàng sang EU. Khi phát hiện gian lận, chúng tôi thậm chí đưa ra những biện pháp mạnh hơn, ví dụ như hình sự. Chúng tôi sẽ có những biện pháp đủ mạnh để răn đe. Các doanh nghiệp cần tuân thủ để thấy được rằng, lợi ích của việc tuân thủ là rất lớn. Nhưng giá của việc không tuân thủ cũng rất lớn.

TBKTSG Online: Mấy năm nữa thì hiệp định có hiệu lực, có nghĩa là các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải tuân thủ quy định khi xuất khẩu sang EU?

- Đó là quá trình, và phải trải qua các bước về pháp lý nữa để hiệp định thực thi được. Việt Nam đã cam kết nhiều, nhưng việc triển khai các cam kết này trong thời gian tới là như thế nào? Nó phụ thuộc vào phía Việt Nam. Nhưng theo tôi, chắc cần 1-2 năm, chứ còn 5 năm thì chắc là không lâu đến vậy.

Các mục tiêu FLEGT/VPA trong bối cảnh Việt Nam

Hiệp định VPA sẽ mang lại một khuôn khổ pháp lý và hệ thống giám sát sự tuân thủ nhằm đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào EU được sở hữu, khai thác, vận chuyển và xuất khẩu một cách hợp pháp. Ngoài ra, Việt Nam đã xác định các mục tiêu của mình trong việc hoàn tất đàm phán VPA bao gồm:

- Duy trì thị trường xuất khẩu EU và tiếp cận các thị trường Mỹ, Nhật Bản

- Tránh sự suy thoái đối với ngành công nghiệp đang đem lại 300.000 việc làm tại hơn 3.400 doanh nghiệp này

- Cải thiện hình ảnh và thương hiệu quốc gia của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam

- Tăng cường quá trình cải cách thể chế trong lĩnh vực lâm nghiệp và thực thi pháp luật

- Đóng góp vào việc quản lý rừng bền vững và triển khai các sáng kiến quốc tế về biến đổi khí hậu

Khoảng 39,7% (tương đương khoảng 13 triệu ha) diện tích Việt Nam được rừng che phủ. Về tổng thể, từ năm 1990 đến năm 2005, Việt Nam đã tăng được diện tích che phủ của rừng lên thêm 38%, hay tăng khoảng 3,5 triệu ha. Ngành công nghiệp gỗ hướng đến xuất khẩu là một lĩnh vực tăng trưởng nhanh. Việt Nam đã được dự báo sẽ thu được khoảng 6,2 tỉ đô la Mỹ từ việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm liên quan trong năm 2014, tăng 9% so với năm trước.

Trung Quốc là một thị trường mà gỗ Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất vào năm 2013 với mức tăng 35% so với năm 2012. Trong năm 2013, giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam vào EU đạt 800 triệu đô la Mỹ và mức này được duy trì ổn định so với năm trước đó.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154175/de-xuat-khau-go-phai-tuan-thu-co-che-quan-ly-rung.html/