Đề xuất khai tử xăng A95: VN 'cứu ế' cho thế giới?

'Đề xuất chỉ sử dụng xăng sinh học của một số doanh nghiệp Việt được xem là cửa thoát cho nguồn cung đang bị dư thừa trên thế giới'.

Đây là nhận định rất cần được cân nhắc của TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập, khi trao đổi với Đất Việt.

Việt Nam đi ngược thế giới

PV: Dù đề xuất khai tử xăng A95 và sớm triển khai xăng E5Ron95 mới chỉ được một doanh nghiệp đưa ra, nhưng dư luận đã đặc biệt quan tâm và lo ngại. Bởi lẽ, điều này tạo nên thế độc tôn của xăng sinh học trên thị trường Việt Nam, trong khi xăng E5 vẫn chưa nhận được sự tin tưởng hoàn toàn về chất lượng.

Thưa ông, ông có bất ngờ trước những diễn biến này không? Ông có thể lý giải vì sao chỉ một đề xuất của doanh nghiệp mà lại có thể gây dư luận lớn đến vậy? Quan điểm của ông về đề xuất nói trên như thế nào?

TS Đinh Thế Hiển: Trước hết, tôi phải khẳng định đề xuất "khai tử" xăng RON95 (A95) và chỉ sử dụng 2 loại xăng sinh học là E5 RON92 và E5 RON95 là thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với cơ chế thị trường.

Thứ nhất, nói đề xuất trên là thiếu cơ sở của một nền kinh tế thị trường vì xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, là nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào không thể thiếu cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước nói riêng cũng như phục vụ sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Người dân cũng không thể không dùng mặt hàng này.

Chính vì tính chất đặc thù này mà xăng dầu không còn là một sản phẩm hàng hóa phổ biến, thông thường. Đây là một sản phẩm mang tính đặc thù, nhưng lại mang tính đại chúng, có quy mô tác động rất lớn.

Do đó, mọi điều chỉnh, quyết định sử dụng, thay thế sản phẩm này không thể xuất phát từ một doanh nghiệp nào đó. Việc lựa chọn sử dụng loại xăng nào phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, phải dựa trên ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải...; các cơ quan chuyên ngành... rồi thậm chí phải thông qua Quốc hội.

TS Đinh Thế Hiển

TS Đinh Thế Hiển

Thứ hai, về cơ sở khoa học, có thể thấy vẫn còn nhiều vấn đề chưa ổn. Đầu tiên là chất lượng, tới nay vẫn còn nhiều hoài nghi. Nói thẳng là, hiệu quả sử dụng xăng E5 cũng khó thuyết phục được người dân, để họ yên tâm, tin tưởng sử dụng loại xăng này. Sự hoài nghi đến từ cả 3 phương diện, đó là hiệu quả trong sử dụng nhiên liệu; tiếp đến là vấn đề bảo vệ môi trường và vấn đề thứ ba là triển vọng hóa khí lỏng trong tương lai.

Cụ thể, đánh giá hiệu quả sử dụng nhiên liệu, có thể nói việc "khai tử" xăng A95 và chỉ sử dụng xăng sinh học E5 là một quyết định thiếu thực tế. Cùng với sự chênh lệch về giá, xăng E5 đang được tuyên truyền là một sản phẩm an toàn với động cơ và thân thiện với môi trường.

Người ta còn nói rằng, việc sử dụng xăng E5 giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải HC và CO. Đồng thời, nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần thay đổi kết cấu hay vật liệu chi tiết.

Tuy nhiên, xu hướng chung của các dòng xe được sản xuất trên thế giới hiện nay cũng như trong tương lai vẫn luôn được thiết kế theo hướng ưu tiên sử dụng các loại nhiên liệu hóa học, tức là các loại nhiên liệu có chỉ số octane cao. Đặc biệt, với những ô tô có độ nén cao thì nên sử dụng xăng RON 95.

Vì thế xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, xăng E5 dù được bán ra thị trường rẻ hơn so với xăng A95 nhưng hiệu quả sử dụng lại không đạt so với xăng A95. Đây cũng là lý do ở các nước họ vẫn bán nhiều loại xăng khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn cho phù hợp với loại xe đang sử dụng.

Về phương diện bảo vệ môi trường, theo tôi đánh giá, yêu cầu này cũng không đạt được hiệu quả. Đồng ý rằng việc sử dụng xăng E5 có thể giúp giảm phát thải các chất gây ô nhiễm có trong động cơ, góp phần bảo vệ môi trường, nhưng những tác động tới môi trường trong suốt quá trình sản xuất, tạo ra xăng E5 lại chưa được các nhà khoa học đánh giá và tính toán một cách đầy đủ, minh bạch. Rõ ràng, sản xuất ethanol từ cây lương thực sẽ làm giảm lượng đất phục vụ nhu cầu thực phẩm của con người.

Diện tích đất trồng lương thực khác sẽ bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn trong thị trường nguồn cung nguyên liệu. Đáng lo ngại, trong quá trình phát triển các vùng nguyên liệu như trồng sắn, trồng ngô để cung cấp cho các nhà máy sản xuất ethanol, yêu cầu sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học là rất lớn.

Mặt khác, để trồng và bảo quản thu hoạch ngô, người dân vẫn còn sử dụng đến các thiết bị chạy nhiên liệu hóa thạch. Việc chế biến ngô thành ethanol và vận chuyển đến điểm phân phối cũng phải cần đến các loại máy móc chạy nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, việc bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng ethanol cũng không xoay chuyển nhiều.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/de-xuat-khai-tu-xang-a95-vn-cuu-e-cho-the-gioi-3358072/