Đề xuất kéo dài thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài thêm 2 năm

Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục kéo dài thêm 2 năm đối với việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam…

Sáng nay (5/11), sau khi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo nói trên.

Theo báo cáo thẩm tra, UBQPAN nhận định, việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử đã đạt được những kết quả tích cực về đối ngoại, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cụ thể, về đối ngoại, UBQPAN nhận định, việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập cảnh Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và du lịch, được các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam đánh giá tích cực, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, củng cố quan hệ ngoại giao của nước ta với các quốc gia trong giai đoạn hội nhập.

Về kinh tế - xã hội, UBQPAN cho rằng, chính sách cấp thị thực điện tử đã góp phần thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng; góp phần phát triển du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong thủ tục xuất, nhập cảnh của Việt Nam.

Đặc biệt, UBQPAN đánh giá, thực hiện cấp thị thực điện tử, về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội vẫn được đảm bảo; Công tác xét duyệt nhân sự cấp thị thực điện tử đảm bảo chặt chẽ; việc kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử bảo đảm an ninh, an toàn; phòng ngừa từ xa, không để lọt các trường hợp người nước ngoài thuộc diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam, chủ động đáp ứng yêu cầu thông tin cho các cơ quan chức năng phục vụ các hoạt động nghiệp vụ…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, UBQPAN đề nghị phân tích, làm rõ thêm một số nội dung như: Đánh giá rõ hơn hiệu quả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam;

Đánh giá rõ những tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài bằng thị thực điện tử đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nước ta và định hướng giải pháp xử lý? vì đây là lĩnh vực hoạt động rất nhạy cảm, phức tạp, khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia luôn trực tiếp, hiện hữu.

Ông Võ Trọng Việt cũng cho biết, UBQPAN đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem danh sách các nước có công dân thuộc diện thí điểm cấp thị thực điện tử và danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử đã phù hợp với nhu cầu thực tiễn chưa.

“Theo Báo cáo của Chính phủ, nhiều nước có rất ít công dân đề nghị cấp và nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử, thậm chí có nước không có công dân nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử. Trong khi đó, một số cửa khẩu được phép xuất cảnh, nhập cảnh bằng thị thực điện tử nhưng không có hoặc có rất ít công dân nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh. Mặt khác, có tình trạng công dân nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh không đúng cửa khẩu đã được duyệt khi cấp thị thực điện tử” – Ông Võ Trọng Việt nói.

Chủ nhiệm UBQPAN cũng lưu ý đặt câu hỏi: “Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc thí điểm cấp thị thực điện tử đã đảm bảo thông suốt chưa? Phương pháp thông tin, tuyên truyền đã phù hợp chưa?”

UBQPAN đề ngịh Chính phủ đánh giá làm rõ hơn những nguyên nhân tồn tại, trong đó tập trung làm rõ lý do đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thí điểm để tránh lãng phí.

Với những phân tích ở trên, UBQPAN kết luận cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ đã nêu trong Báo cáo, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian 2 năm kể từ ngày 01/02/2019 để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước thời gian kết thúc việc thí điểm. Nội dung này đề nghị Quốc hội cho quy định trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6.

Trong thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm, UBQPAN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành hữu quan đề xuất điều chỉnh danh sách các nước có công dân thuộc diện thực hiện thí điểm, danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử bảo đảm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của việc thí điểm; sớm xử lý, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm, bảo đảm việc thực hiện thí điểm có hiệu quả thiết thực.

Giải trình trước các ý kiến của UBQPAN cũng như của các đại biểu thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, lý do kéo dài việc thí điểm vì đây là một cải cách hành chính mới chưa được quy định trong luật nên phải xin Quốc hội có Nghị quyết thực hiện thí điểm.

Về việc số lượng đăng ký thị thực điện tử chưa nhiều, ông Tô Lâm cho biết, đó là vì việc cấp thị thực điện tử chưa được phổ cập (VN mới thực hiện với 46 nước), chỉ có 28 cửa khẩu được thực hiện; công tác tuyên truyền chưa làm rộng nên nhiều người chưa biết... Ngoài ra, việc thí điểm cũng khiến thì nhiều khách nước ngoài ngần ngại, muốn sử dụng cách thức nhập cảnh truyền thống…

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/de-xuat-keo-dai-thi-diem-cap-thi-thuc-dien-tu-cho-nguoi-nuoc-ngoai-them-2-nam-618592/