Đề xuất hợp tác với Trung Quốc để bảo tồn loài rùa Hồ Gươm

Theo Bộ NN&PTNT, việc hợp tác với Trung Quốc là cơ hội tốt và có tính khả thi nhằm nhân giống, bảo tồn loài rùa mai mềm-Rafetus swinhoei (còn gọi là rùa Hoàn Kiếm) khi trên thế giới hiện chỉ còn 4 cá thể.

PGS.TS Hà Đình Đức trong một lần tiếp cận, chăm sóc cụ rùa Hồ Gươm (Ảnh PGS Hà Đình Đức cung cấp)

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc hợp tác để bảo tồn giống rùa mai mềm (Rafetus swinhoei)- Rafetus swinhoei thường gọi là Rùa Hoàn Kiếm, Rùa Hồ Gươm.

Theo Bộ NN&PTNT, tháng 5/2018, Tổng giám đốc Cơ quan Cites Trung Quốc có thư về đề xuất hợp tác bảo tồn rùa mai mềm (Rafetus swinhoei)- thường gọi là Rùa Hoàn Kiếm. Đây là loài rùa có phân bố tự nhiên tại Việt Nam và Trung Quốc.

Liên quan đến đề xuất trên, Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục Lâm nghiệp lấy ý kiến các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học, chuyên gia và tổ chức phi chính phủ hoạt động trong bảo tồn rùa mai mềm Rafetus swinhoei.

Bộ NN&PTNT cho rằng, Rùa Hồ Gươm, thuộc phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loại động thực vật hoang dã nguy cấp (Cites), thuộc danh mục các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo về phục hồi, phát triển.

Đây cũng là loài nằm trong danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định trong Nghị định 160/2013 của Chính phủ.

Hiện trên thế giới chỉ ghi nhận có 4 cá thể loài rùa trên. Trong đó, Trung Quốc có 2 cá thể (1 đực, 1 cái), được nuôi giữ tại vườn thú Tô Châu. Còn tại Việt Nam, ngoài các thể rùa tại hồ Hoàn Kiếm đã chết, hiện chỉ ghi nhận 2 cá thể đang sống tại hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh (Hà Nội). Hiện các nhà khoa học chưa khẳng định được chính xác giới tính của 2 cá thể rùa nói trên.

Theo Bộ NN&PTNT, việc bảo tồn 2 các thể đang sống tại hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh là rất cấp thiết, do nguồn nước đang bị ô nhiễm và chịu tác động của các hoạt động khai thác thủy sản thiếu kiểm soát của người dân địa phương.

Bộ NN&PTNT cho rằng, việc hợp tác bảo tồn rùa mai mềm nói trên với Trung Quốc là cơ hội tốt và tính khả thi nhằm nhân giống, bảo tồn loài rùa này. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn hai nước cần thảo luận chi tiết về kỹ thuật và điều khoản hợp tác trước khi thực hiện chương trình nhân giống bảo tồn rùa mai mềm Rafetus swinhoei.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị, UBND TP Hà Nội giao cơ quan, đơn vị có chức năng thuộc thành phố tổ chức xây dựng đề án và tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát triển rùa Hồ Gươm nói trên.

Trước đó, hồi tháng 1/2016, “cụ” rùa Hồ Gươm gắn liền với nhiều truyền thuyết đã chết. Sau cái chết của “cụ”, các nhà khoa học chỉ còn ghi nhận chỉ còn 3 cá thể của loài này còn tồn tại trên thế giới, trog đó 1 cá thể ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) và 2 cá thể vườn thú Tô Châu (Trung Quốc).

Tuy nhiên, gần đây, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) cho biết, họ vừa tìm ra được một cá thể Rùa Hoàn Kiếm tại hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội), nâng số cá thể Rùa Hoàn Kiếm trên thế giới lên 4 cá thể.

Phạm Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/de-xuat-hop-tac-voi-trung-quoc-de-bao-ton-loai-rua-ho-guom-1303680.tpo