Đề xuất hợp nhất, sáp nhập các sở, ngành trong cả nước: Vẫn còn 'thoáng' cho nhiều địa phương

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo tờ trình nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới đề xuất hợp nhất, sáp nhập các sở, ngành tại các tỉnh, thành trong cả nước.

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Cụ thể, Hà Nội và TPHCM không quá 20 sở, ngành. Các tỉnh còn lại từ 17-19 sở, ngành tùy theo loại đơn vị hành chính. Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất của Bộ Nội vụ vẫn còn “thoáng” cho nhiều địa phương và cần mạnh tay làm để bỏ lối tư duy “đã lên không xuống, đã vào không ra”.

Tiến tới sáp nhập bộ, tỉnh, thành phố

Đánh giá cao đề xuất của Bộ Nội vụ đưa ra, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - nhấn mạnh: “Đây là một bước đột phá rất mới, chấp hành tốt nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và nghị quyết của Quốc hội về việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đã sáp nhập thì cần có đổi mới, không thể sáp nhập, hợp nhất một cách cơ học mà phải là công cuộc giảm được về bộ máy, tầng lớp trung gian, những đầu mối, những cơ quan có trùng chức năng, nhiệm vụ. Không phải chỉ là ở sở, ngành của địa phương mà cần thiết luôn ở những vụ, cục, tổng cục trực thuộc của bộ, ngành trung ương. Như thế mới có hiệu lực, hiệu quả và nhận được sự đồng tình của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân”.

Về nội dung đề xuất, ĐBQH Phạm Văn Hòa bày tỏ sự nhất trí với cơ bản dự thảo đề ra, tuy nhiên có một số nội dung còn băn khoăn. Ông Hòa bày tỏ: “Đề xuất vẫn có cơ chế “thoáng” cho các tỉnh. Tôi đồng ý Hà Nội và TPHCM có cơ chế đặc thù nhưng không được sắp xếp quá 20 sở, ngành. Nhưng đối với các tỉnh, thành trực thuộc trung ương còn lại không nên phân ra thành loại 1, 2, hay 3 mà tất cả phải cùng thống nhất với nhau. Còn từng sở, ngành nào sáp nhập thì có thể giao cho địa phương.

Về quy định cấp phó, Hà Nội và TPHCM đã được 20 sở, ngành, như vậy, so với các tỉnh, thành khác đã hơn 2-3 đơn vị rồi thì quy định 1 sở, ngành chỉ nên có 3 cấp phó mà thôi thay vì quy định 4 như hiện tại. Cấp phó tại các tỉnh còn lại đảm bảo ở mức 2,5”.

Theo vị đại biểu này, về lâu dài, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và bộ, ngành cũng cần tính đến bước sáp nhập, hợp nhất. Những tỉnh, thành phố nào diện tích và dân số không đảm bảo theo quy định hiện hành cũng cần thiết phải sáp nhập. Hà Tây và Hà Nội là một điển hình.

Đầu tiên, sau sáp nhập có khó khăn về tổ chức, bộ máy và con người nhưng dần dần Hà Nội và Hà Tây đã đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả. Vì thế, không có lý do gì mà tỉnh, thành phố khác có diện tích và dân số quá ít mà vẫn duy trì. Chúng ta chỉ có khoảng 100 triệu dân mà có tới 63 tỉnh, thành là quá lớn, quá nhiều.

Từ chỗ quá lớn, quá nhiều dẫn đến bộ, ngành cũng quản lý không xuể. Nếu sắp xếp nhỏ, gọn lại thì số lượng tỉnh, thành phố giảm dẫn đến tổ chức bộ máy biên chế giảm, đầu mối giảm, việc kiểm tra, giám sát thuận lợi. Đầu tư hạ tầng cũng sẽ tốt hơn thay vì “rải mành mành” như hiện nay, ông Hòa bày tỏ.

Ông Hòa cho rằng: Hiện nay, về cấp tỉnh, thành và bộ, ngành trung ương, chúng ta chưa tính đến chuyện sáp nhập, hợp nhất. Nhưng sau 2020, ở nhiệm kỳ sau, khi sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương... thì cần thiết phải xem xét, sắp xếp lại một số bộ, ngành theo từng chức năng quản lý.

Bộ máy hành chính nước ta hiện đang theo hình chóp ngược, ở trên thì phình to ra còn ở dưới thì tóp lại. Như vậy là cũng chưa thực sự hợp lý. Cần phải sớm tinh giản cả các đơn vị cấp bộ, ngành.

Ông Lê Như Tiến (ĐBQH khóa XII, XIII) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khóa XIII.

Cơ hội để “sàng lọc” cán bộ giỏi

Ông Lê Như Tiến (ĐBQH khóa XII, XIII) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khóa XIII - đánh giá: Với đề xuất hợp nhất, sáp nhập các sở, ngành cũng là cơ hội để sàng lọc cán bộ, công chức, viên chức trong bộ này. Người nào đáp ứng được yêu cầu, hay không cũng có cách xử lý để cho bộ máy tinh gọn, có hiệu quả, hiệu lực.

Đích cuối cùng vẫn là nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước. Còn nếu sáp nhập theo kiểu thấy đông thì nhập như kiểu lâu nay người ta giải thích một cách rất chung chung “tách ra là để chuyên sâu, nhập vào là để giảm đầu mối đi” thì “ai cũng giải thích được”.

Vị ĐBQH khóa XII, XIII cũng nhấn mạnh, để làm tốt được việc này đòi hỏi người đứng đầu phải công tâm, khách quan và minh bạch. Nếu coi dịp này để đưa những người cùng “phe cánh” của mình lên, loại trừ những người không cùng ê kíp thì ý nghĩa của đề án này trở thành phản tác dụng.

“Nếu chúng ta không làm đúng theo quy định, công khai minh bạch, xử lý có lý có tình thì đây không khéo lại trở nên mâu thuẫn nội bộ, lợi ích nhóm, không có lợi cho công tác tổ chức cán bộ” - ông Tiến cảnh báo.

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng cho rằng: Cần có biện pháp đảm bảo sự công tâm, khách quan trong bố trí nhân sự khi hợp nhất, sáp nhập. Để tránh tình trạng bố trí người nhà, người thân quen, người cùng “phe cánh” có thể tổ chức thi tuyển, xét tuyển những người đảm bảo điều kiện và cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, những người sẽ bị tinh giản ra khỏi bộ máy thì Nhà nước cũng cần có chế độ hợp lý, ví dụ như một khoản tiền, khoản vốn nhất định để họ có thể đảm bảo cuộc sống cơ bản bước đầu sau khi ra khỏi cơ quan nhà nước. Bởi theo các chuyên gia, lâu nay cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hiện vẫn duy trì lối sống theo kiểu “bao cấp”, dựa vào lương và những khoản thu nhập khác theo quy định trong nhà nước.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-hop-nhat-sap-nhap-cac-so-nganh-trong-ca-nuoc-van-con-thoang-cho-nhieu-dia-phuong-602959.ldo