Đề xuất học sinh nghỉ thứ bảy, giữ kỳ thi THPT quốc gia

Các đại biểu là chuyên gia giáo dục, quản lý các trường học đã có ý kiến góp ý về việc có nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, học sinh nghỉ học ngày thứ bảy... hay không.

Hội nghị diễn ra tại TP.HCM - Ảnh: B.THANH

Sáng 21.8, tại TP.HCM, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH.

Đề cao quyền của học sinh

Hội nghị đã tập trung lấy ý kiến về các nội dung như: trình độ phổ thông, chương trình SGK, chính sách giáo viên, người học và học phí.

Theo bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban trên, đây là dịp để các đại biểu bày tỏ quan điểm về kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp THPT với bằng tốt nghiệp trung cấp nghề để làm sao công tác phân luồng được thực hiện hiệu quả.

Về chương trình, bà Minh cũng mong nhận được ý kiến đóng góp về thời gian học tập, bố trí thời lượng sao cho các cơ sở giáo dục phổ thông không dạy và học vào ngày cuối tuần…

Với vai trò là chuyên gia giáo dục của UNCEF, đại biểu Lê Thị Minh Châu dẫn dắt, mục tiêu phát triển bền vững là đảm bảo bình đẳng trong giáo dục. Nếu không có chính sách bao trùm số trẻ em thiệt thòi sẽ tăng, ảnh hưởng nguồn nhân lực trong tương lai. Vì vậy giáo dục cần hướng đến xây dựng năng lực, đảm bảo học sinh có được kỹ năng, năng lực giải quyết vần đề ứng dụng trong thực tế. Để làm được điều này cũng cần có những mô tả năng lực của giáo viên để có thể dạy cho các em.

Đồng thời với đó, bà Minh Châu cho rằng thực tiễn hiện nay chúng ta mới chỉ dừng ở nuôi dưỡng và giáo dục mà cần phải lưu ý rằng trẻ em có quyền được bảo vệ để tránh bạo lực và xâm hại. Bên cạnh đó là quyền được tham gia, tức là học sinh có quyền đóng góp ý kiến trong môi trường giáo dục một cách công bằng chứ không phải là hình thức, tổ chức cho có.

Đại biểu Phan Thị Thu Hà, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến đồng tình về đề xuất các trường nghỉ dạy và học ngày thứ bảy. Để thực hiện điều này, bà Hà nói rằng cần có sự đồng bộ từ Bộ GD-ĐT nơi quy định về nội dung, chương trình để giúp các trường mạnh dạn thực hiện.

Về chương trình và SGK, đại biểu Lê Quang Minh, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng hội đồng thẩm định là cần thiết nhưng phải có quy định chặt chẽ đối với hội đồng này để tánh tình trạng “quyền lực” dẫn đến độc quyền - điều mà chúng ta bàn suốt trong gần 20 năm qua.

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị - Ảnh: B.THANH

Kỳ thi THPT quốc gia có nên tồn tại?

Đề cập đến quan điểm của mình về kỳ thi THPT quốc gia, đại biểu Phan Thị Thu Hà thẳng thắn chỉ rõ: “Kỳ thi vừa qua, đã có những việc đáng tiếc, không mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, không vì bị dư luận xã hội phản ứng mà nói bỏ hay không bỏ. Điều cần thiết là chúng ta phải đánh giá một cách nghiêm túc. Theo tôi nên giữ kỳ thi này nhưng cần quản lý chặt chẽ và xử lý một cách quyết liệt đối với những sai phạm”.

Còn PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đặt giả thuyết nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia, trả việc tổ chức thi tuyển sinh cho các trường ĐH, chưa hẳn tình hình khá hơn. "Mấy trăm trường ĐH, trường nào cũng ra đề, tổ chức theo cách riêng có khi tiêu cực còn khủng khiếp hơn", ông Hải băn khoăn.

Riêng về học phí, TS Bùi Xuân Hải cho rằng không nên quy định mức trần trong khung học phí vì các trường có sự cạnh tranh với nhau nhưng phải quy định nguyên tắc tăng học phí để phụ huynh yên tâm cho con em theo học.

Trong hội nghị, PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định dự thảo luật cần làm rõ khái niệm phổ cập và bắt buộc phổ cập. Nên quy định giáo dục THCS là bắt buộc, giống như bậc tiểu học có tính chất này đã được nêu trong Hiến pháp. "Bắt buộc thì nhà nước phải lo, không đơn thuần là miễn học phí mà còn là việc tạo hệ thống đồng bộ đủ để thực hiện toàn diện cho mọi người", ông Bình nêu quan điểm.

Đặc biệt, ông Bình nhấn mạnh giáo dục phổ thông cần liên thông một cách tự nhiên, không nên để học sinh học yếu mới học nghề. Chỉ khi làm tốt được điều này thì chính sách phân luồng mới thực sự hiệu quả.

Bích Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/de-xuat-cac-truong-nghi-day-va-hoc-ngay-thu-bay-995274.html