Đề xuất hòa bình: Đòn nhẫn nhịn của Iran, Nga vào cuộc

Nga lên tiếng ủng hộ nỗ lực của Iran trong tìm kiếm một hiệp ước về việc không tấn công lẫn nhau giữa các nước vùng Vịnh.

Vừa qua, Iran thực hiện hàng loạt hành động ngoại giao con thoi trong nỗ lực hạn chế leo thang căng thẳng trong khu vực.

Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Javad Zarif đã gặp người đồng cấp Iraq Mohammed al-Hakim, đồng thời, Phó Bộ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi cũng khởi hành chuyến đi đến Kuwait, Oman, Qatar.

Trong chuyến đi này, phía Iran đã đề xuất một hiệp ước không tấn công xâm lược lẫn nhau giữa các nước vùng Vịnh.

Ngoại trưởng Iran nói rằng họ muốn các nước ở khu vực cùng nhau xây dựng một mối quan hệ cân bằng. Iran luôn sẵn sàng tự vệ khi bị tấn công, song không muốn dấn thân vào những cuộc xung đột như vậy.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif gặp người đồng cấp phía Iraq Mohammed al-Hakim

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif gặp người đồng cấp phía Iraq Mohammed al-Hakim

Phó Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho biết: "Dù không đàm phán trực tiếp hay gián tiếp với Mỹ, nhưng Iran sẵn sàng thương lượng với mọi quốc gia trong vùng Vịnh nhằm tìm kiếm những mối quan hệ có tính xây dựng dựa trên sự tôn trọng và lợi ích chung".

Như vậy, phía Iran đã đưa ra một bước đi khôn ngoan để dẹp bỏ luận điểm mà Mỹ luôn cáo buộc những ngày qua: Iran là mối đe dọa của Trung Đông. Hai vị lãnh đạo ngành Ngoại giao của Iran đã phát đi các thông điệp trấn an những người láng giềng xung quanh mình: khi các bạn không tấn công chúng tôi, chúng tôi không gây sự với các bạn.

Đáng chú ý, khi Iran đưa ra động thái này, phía Nga cũng bắt đầu lên tiếng. Ngày 27/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định vô cùng hoan nghênh "hiệp ước không tấn công xâm lược nhau" của Iran.

"Đây là ý tưởng tốt đẹp thực sự. Iran cho thấy họ thực sự muốn có một khu vực ổn định, họ đã hành động để giảm căng thẳng giữa họ với những quốc gia xung quanh. Chỉ có sự ổn định mới có thể mang lại sự phát triển tốt đẹp nhất cho tất cả các bên" - ông Lavrov phát biểu.

Ông Lavrov cũng cho biết thêm, tại Hội đồng hợp tác các nước Arab Vùng Vịnh mà Nga có tư cách như một bên chứng kiến, sáng kiến này của Iran đã được đề trình và rất có thể sẽ có những hội thảo toàn khu vực để thảo luận về vấn đề này.

Hãng tin RT đưa tin, Ngoại trưởng Nga khẳng định quan điểm của Moscow hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của Iran và "sẽ thúc giục" các nước vùng Vịnh cùng hợp tác để xây dựng một môi trường ổn định, hòa bình.

Kể từ khi căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang trong suốt tháng qua, đây là lần đầu tiên Nga lên tiếng về vấn đề khu vực vùng Vịnh.

Trong một tháng đó, Mỹ đã tung ra hầu hết những bước đi của mình. Cụ thể, họ điều hạm đội tàu sân bay áp sát Vịnh Ba Tư, điều thêm vũ khí (cả tấn công và phòng thủ), liên tiếp cáo buộc và đe dọa chiến tranh.

Tàu USS Abraham Lincoln của Mỹ bên ngoài Vịnh Ba Tư

Đồng thời, đồng minh Mỹ ở vùng Vịnh chấp thuận cho Washington triển khai quân trên lãnh thổ của mình nếu xảy ra xung đột. Đỉnh điểm của căng thẳng, Tổng thống Trump triển khai thêm 1.500 quân đến Trung Đông, đính kèm lời đe dọa chiến tranh và để ngỏ khả năng mang đến nhiều quân lực hơn.

Như vậy, Mỹ là người đẩy nguy cơ xung đột vũ trang ở vùng Vịnh lên đến đỉnh điểm. Và khi các động thái nguy hiểm nhất đã được thực hiện, thì Iran tung ra cú phản đòn: đề nghị các bên không tấn công lẫn nhau.

Như vậy, sự tương phản ở đây là rất rõ: Iran muốn hòa bình, đề nghị các quốc gia trong khu vực cùng bắt tay để có hòa bình. Và nếu khu vực này có chiến tranh, đó là do những kẻ từ xa mang đến.

Xung đột, bất hạnh của Trung Đông sẽ không ảnh hưởng đến lục địa Mỹ, nhưng tất cả người Ả Rập tại đây sẽ phải hứng chịu làn sóng tị nạn, khủng bố, bom đạn liên miên...

Trên hết, nền kinh tế súng đạn của Mỹ sống dựa vào bất ổn. Nhưng sự bất ổn này lại không mang về lợi ích cho những quốc gia ở vùng Vịnh. Lợi ích sát sườn sẽ khiến khu vực này phải cân nhắc chọn cành oliu của Iran hay những mũi tên từ Mỹ.

Ông Putin từng nói: "Nga không phải lữ đoàn cứu hỏa toàn cầu. Chúng tôi không thể cứu vãn tất cả những gì không phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi chỉ làm phần việc liên quan đến mình, lợi ích của mình".

Nhưng Nga lại phải bắt đầu sắm vai lính cứu hỏa của mình. Nga có lợi ích cốt lõi với Iran, và bây giờ mới là lúc Moscow vào cuộc.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/de-xuat-hoa-binh-don-nhan-nhin-cua-iran-nga-vao-cuoc-3380880/